Bên bờ hạnh phúc
Múa lân mang lại không khí vui tươi, sinh động trong những ngày xuân

Vậy là chúng ta đã bước sang tuần lễ cuối cùng của năm Tân Mão và chuẩn bị bước sang năm Nhân Thìn. Không khí xuân đã rộn ràng từ trong nhà, ngoài ngõ và đến đường phố. Góp vui cho những ngày xuân chính là nghệ thuật múa lân – sư – rồng. Tại thành phố Vĩnh Long, từ lâu, nghề làm lân – sư – rồng và biểu diễn bộ môn nghệ thuật này tồn tại tuy âm thầm nhưng phát triển, là sự đam mê của nhiều người trong nghề và công chúng thưởng ngoạn. 

Múa lân – sư – rồng là một môn nghệ thuật dân gian đường phố, có nguồn gốc từ Trung Quốc, thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội, đặc biệt là Tết Nguyên đán và Tết Trung thu. Ba con thú này tượng trưng cho thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc và hanh thông.

 

Múa lân – sư – rồng không những là nghệ thuật trong dân gian mà còn là sự tranh tài với nhau giữa các đội múa. Tùy theo không gian rộng hay hẹp, tùy theo ý nghĩa của dịp lễ hội, đội lân – sư – rồng biểu diễn từng bài, từng cách múa cho phù hợp.

Có thể phối hợp múa lân với sư, múa lân với rồng hoặc phối hợp cả ba thể loại với nhau. Trong màn trình diễn múa lân – sư – rồng không thể thiếu Ông Địa tay cầm quạt giấy, giỡn khách xem múa hoặc mua vui cho chủ nhà. Ông Địa được cho là hiện thân của Đức Di Lặc – một vị Phật lúc nào cũng tươi vui hiền lành.

Truyền thuyết kể rằng, Đức Di Lặc đã hóa thân thành người và chế ngự được một quái vật đó là con lân từ dưới biển lên bờ phá hoại. Đức Di Lặc hóa thân thành ông Địa, lấy cỏ linh chi trên núi cho quái vật ăn và hàng phục được nó, biến nó thành con thú ăn thực vật. Từ đó, mỗi năm, ông Địa lại dẫn nó xuống núi chúc Tết mọi người.

Ông Địa và con lân đi đến đâu là giáng phúc tới đó, nên nhà nào cũng hoan hỉ treo rau xanh và giấy đỏ đón chào. Sau này, người có tiền thường treo giải bằng tiền, buộc trong một miếng vải đỏ, treo cùng bắp cải hoặc rau xanh. Lân phải trèo lên cao lấy bằng được "thức ăn" này. Còn ông Địa thì nhảy múa, phe phẩy chiếc quạt to, ru lân ngủ hoặc đánh thức lân dậy. Cảnh ông Địa vuốt ve lân và lân mơn trớn ông Địa thể hiện được tình cảm và sự hòa hợp sâu sắc giữa loài vật và loài người trong một bầu không khí thanh bình, hoan lạc.

Ở địa bàn TPVL có vài cơ sở chuyên sản xuất đầu lân. Theo anh Nguyễn Minh Tú, người đã hơn 10 năm kinh nghiệm với nghề này thì đầu lân phải đúng chuẩn, từ kích cỡ đến trọng lượng. Việc làm ra một đầu lân chuẩn giúp cho người cầm đầu lân múa được dễ dàng. Đầu Lân phải chế tạo thật công phu, còn mình lân là vải thêu, phải viền cho khéo. Nhờ tay nghề truyền thống nên có những cơ sở sản xuất đầu lân tại TPVL họat động liên tục quanh năm, sản phẩm làm ra được cung cấp theo đơn hàng của khách.

Người múa đội chiếc đầu lân bằng giấy, múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống. Đầu lân có một đuôi dài bằng vải màu do một người cầm phất phất theo nhịp múa của lân. Ngoài ra còn có trống thanh la, não bạt, đèn màu, cờ ngũ sắc, có người cầm côn đi hộ vệ đầu lân.

Đội lân đánh trống vang xóm, nhà nào có treo thưởng thì đội lân sẽ đến múa chúc vui. Phần thưởng càng lớn thì treo càng cao, đội lân càng có nghề càng thích phần thưởng treo cao, xem như một thách thức các đội lân khác, đồng thời qua đó chứng tỏ tài nghệ của đội để thu hút các gia chủ khác. Nhưng trong nhà có người già thì phần thưởng lại được treo thấp dù có giá trị cao. Ý nghĩa là tránh cho lân gặp phải nguy hiểm, để phước cho chủ nhà. Ông địa phải vào nhà vái chào người già, gia chủ, sau đến giỡn chơi hoặc làm hề cho trẻ em vui.

Có nhiều kiểu múa lân như "Độc chiếm ngao đầu" do một con lân biểu diễn, thể hiện tài tả xung hữu đột của một mãnh tướng hay điệu múa "Song hỉ" do hai con lân cùng biểu diễn, thể hiện niềm hân hoan như loan với phụng, như đất trời và âm dương tương hợp. Điệu múa "Tam Tinh" thì do 3 con lân hợp múa thể hiện ba điều tốt là Phúc, Lộc, Thọ. Điệu múa "Tam Anh" cũng do 3 con lân cùng múa, diễn tả Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi gắn bó với nhau hơn cả anh em ruột thịt. Điệu múa "Tứ Quý hưng long" với 4 con lân cùng múa, tượng trưng cho bốn mùa, bốn phương, bốn hiện tượng trong trời đất, diễn tả sự sung mãn, trường thọ, mạnh khỏe và hạnh phúc.

Tại TPVL hiện có đến 7 đội lân ở 3 xã: Tân Hội, Tân Hòa, Tân Ngãi và 4 đội thuộc các Phường 3, 4, 5 và 8. Mỗi năm, vào dịp trước Tết, TPVL đều tổ chức Hội thi múa Lân – Sư – Rồng với sự tham gia thi diễn của các đội trong TPVL và đại diện các thành phố, thị xã bạn, như: Bến Tre, Mỹ Tho, Sa Đéc, Châu Đốc. Đây cũng là một họat động giúp nghệ thuật múa lân truyền thống của TPVL phát triển.

Lân xuất hiện vào dịp đầu năm mới không những tạo không khí vui tươi mà còn mang lại nhiều may mắn, an khang, thịnh vượng cho mọi gia đình, khơi mở cho những điềm lành trong năm mới. Vì vậy, múa lân ngày Tết được mọi người vô cùng yêu thích. Tuy nhiên, để có thể trình diễn được môn nghệ thuật này thì ngoài sự yêu thích, năng khiếu, đòi hỏi các thành viên tham gia đội lân phải trải qua quá trình khổ công luyện tập.

Ở TPVL, phong trào múa lân nghệ thuật đang ngày càng phát triển, thu hút nhiều lứa tuổi tham gia. Xuất phát từ lòng đam mê nghệ thuật múa lân từ thuở nhỏ, năm 1980 , ông Nguyễn Văn đã vận động và tập hợp các anh em yêu nghề thành lập đội lân. Lúc đầu đội lân chỉ có 12 đội viên, làm nhiều nghề khác nhau nên việc tập luyện gặp rất nhiều khó khăn. Đội lân lúc này chỉ có 1 đầu lân, 1 ông địa, múa phục vụ trong những dịp lễ, Tết. 

Tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm của chính quyền địa phương xã Tân Ngãi, sự hỗ trợ đóng góp của các mạnh thường quân yêu thích môn nghệ thuật này, đã giúp cho đội lân xã Tân Ngãi từ một đội lân nhỏ của xã nghèo vùng ven vươn lên thành đội mạnh của TPVL. Trong những năm qua, đội đã liên tiếp đạt nhiều giải cao tại các hội thi lân khu vực ĐBSCL. Năm nay, đội lân xã Tân Ngãi đã có 8 đầu lân, 2 sư, 1 rồng, 7 trống và đầu tư dàn mai hoa thung trên 20 triệu đồng phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí trong dịp tết Nhâm Thìn 2012.

Nghệ thuật múa lân có 3 thao tác cơ bản gồm: kỹ thuật múa, biểu diễn võ thuật và phổ biến nội công. Múa lân đòi hỏi nhiều động tác phức tạp. Một bài múa đầy đủ phải sắp xếp các điệu múa nhịp nhàng với nhau, lúc dồn dập, lúc khoan thai của các điệu thất tinh, phù hợp với các động tác liên hoàn. Các thế múa như tạo dáng đi cho lân, vừa dí dỏm, duyên dáng vừa oai hùng. Lân lúc vờn, lúc vồ lại có lúc giỡn. Sau đó là điệu tam hoa, tượng trưng cho ba bông hoa thể hiện sự vui mừng. Ngoài ra, người tham gia múa lân ngoài năng khiếu còn phải biết võ để biểu diễn những màn nhào lộn tung người trên không. 

Đến nay, 8 đội lân ở các phường, xã của TPVL thu hút hàng trăm thành viên tham gia. Để tạo sân chơi cho các đội, hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, TPVL đều tổ chức các hội thi lân, sư, rồng. Trong đó, có diễu hành qua các đường phố để tạo không khí vui tươi phấn khởi Mừng Đảng, Mừng xuân. Hội thi còn tạo điều kiện cho các đội lân có dịp giao lưu trao đổi học hỏi kinh nghiệm và biểu diễn các tiết mục đặc sắc của đội qua 1 năm khổ công luyện tập.

Tết năm nay, các đội lân trên địa bàn TPVL đã đầu tư trang bị thêm nhiều đầu lân và thiết bị mới để phục vụ người xem. Nhiều tiết mục hấp dẫn như: múa rồng, song lân, lục lân, lân leo cây, tứ lân trên trái châu, lân múa cà keo trên cầu, lân lên mai hoa thung, song sư trên trái châu và sư tử trên dàn mai hoa thung. Các tiết mục này phối hợp các động tác nhào lộn, nhảy xa sẽ là hình ảnh sinh động giúp cho ngày tết thêm vui tươi, rộn ràng làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần cho người dân. 

Minh Phước – Trần Diệu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *