Bên bờ hạnh phúc

Với sự hỗ trợ của Hội Nông dân, nhiều nông dân đã thực hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Cùng với nguồn vốn của nhà nước, các cấp hội còn vận động xây dựng “Quỹ hỗ trợ nông dân” để giúp đỡ hội viên, nông dân nghèo có vốn phát triển sản xuất. Đây là vốn tự nguyện đóng góp của các hội viên nông dân, thực hiện theo phương châm tự chủ về tài chính, tự bảo tồn và phát triển nguồn vốn. Mục tiêu là vận động đồng vốn tại chỗ và đầu tư cho nông dân tại địa phương, trước hết là hội viên nghèo có được nguồn vốn sản xuất, chăn nuôi, buôn bán nhỏ, đảm bảo cuộc sống và có tích lũy để từng bước thoát nghèo. Hầu hết các địa phương trong tỉnh đều xây dựng được tổ hội góp vốn, bình quân mỗi tổ đều xây dựng được nguồn vốn từ 10 triệu đồng trở lên, thậm chí có tổ góp vốn gần 100 triệu đồng.

Xã Quới An, huyện Vũng Liêm đã xây dựng được 17 tổ góp vốn xoay vòng, trung bình mỗi tổ hỗ trợ vốn cho 2 – 3 hộ hội viên/năm. Nhờ vậy, mấy năm nay, số hội viên nông dân nghèo của xã này đã vươn lên có cuộc sống ổn định. Anh Nguyễn Văn Khỏi – ở ấp Vàm An, xã Quới An, huyện Vũng Liêm – là một nông dân chí thú làm ăn nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên gặp khó về vốn mua hạt giống sương sáo để gieo trồng khi vào mùa vụ sản xuất. Năm 2008, anh được tổ hội nông dân hỗ trợ 2 triệu đồng mua hạt giống về trồng. Đến nay, anh không chỉ khắc phục được tình trạng thiếu vốn, mà còn ăn nên làm ra, tích luỹ được vốn để thuê thêm đất mở rộng sản xuất. Hiện thời, anh trồng hơn 1 ha sương sáo, thu nhập hàng năm gần 100 triệu đồng, gia đình anh đã thật sự thoát nghèo.

Điều ghi nhận qua phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi là nông dân đã có ý thức và quyết tâm vươn lên, cần cù sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm cho phù hợp với điều kiện của từng nông hộ. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều điển hình nông dân tiên tiến tiêu biểu cho tinh thần cần cù lao động, ý chí tự lực tự cường, phấn đấu vươn lên làm giàu. Ông Bùi Minh Trung – ở ấp Tân Thạnh, xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn – có hơn 1 ha vườn cây tạp, kém hiệu quả. Năm 2003, được Hội Nông dân khuyến khích cải tạo vườn trồng cây ăn trái đặc sản, ông đã chọn cây bưởi Năm Roi và cam sành là cây trồng chủ lực cho mảnh vườn của mình. Qua mấy năm chăm sóc và áp dụng khoa học kỹ thuật, vườn cây không chỉ xanh tốt mà còn cho thu nhập kinh tế khá cao, bình quân lợi nhuận trên 100 triệu năm.

Ông Nguyễn Văn Cai – ở ấp An Hội 3, xã Tân An Hội, huyện Mang Thít – trước đây cuộc sống rất khó khăn. Tuy có 6 công vườn nhưng do chưa được khai thác đúng mức nên hiệu quả kinh tế hàng năm không bao nhiêu. Những năm gần đây, được Hội Nông dân khuyến khích đầu tư sản xuất, hỗ trợ về kỹ thuật và hướng dẫn phương thức làm ăn, xây dựng mô hình VAC, ông đã cải tạo lại vườn cây ăn trái, trên bờ chăn nuôi heo và gia cầm, dưới ao thả cá và tận dụng mương vườn trồng rau nhút. Nhờ đó, thu nhập của gia đình ổn định hơn trước.

Không chỉ phát triển kinh tế để làm giàu cho gia đình, Hội Nông dân còn phát huy tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, vận động hội viên khá giúp hộ nông dân nghèo vượt khó khăn vươn lên có cuộc ống ổn định. Trong 5 năm, hội đã vận động nguồn vốn hàng chục tỷ đồng, hàng triệu cây con giống… để giúp cho trên 7.500 hội viên nông dân thoát nghèo, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.

Qua phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi, đất đai và tiềm năng kinh tế của mỗi hộ gia đình ở nông thôn được nâng lên, lao động và đồng vốn được sử dụng một cách có hiệu quả. Số hộ nông dân có cuộc sống ổn định tăng đều. Hàng năm, qua phong trào này, tỉnh Vĩnh Long đã có hàng chục ngàn hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi các cấp. Riêng năm 2009, toàn tỉnh đã bình chọn gần 86.500 hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi các cấp, trong đó cấp tỉnh và trung ương chiếm gần 20% . Đây là những nông dân không chỉ cần cù lao động, chí thú làm ăn, mà còn biết áp dụng khoa học kỹ thuật, tiếp cận với thị trường và xây dựng cho mình mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao.

Phong trào nông dân sản xuất giỏi đã thật sự là đòn bẩy giúp hội viên nông dân phát huy tốt điều kiện sản xuất, có nguồn thu nhập kinh tế khá và xây dựng cuộc sống gia đình ổn định. Sức lan tỏa của phong trào này còn là động lực thúc đẩy kinh tế ở địa phương phát triển. Để phong trào này phát triển tốt hơn nữa, Hội Nông dân Vĩnh Long cần tiếp tục đẩy mạnh những chương trình hoạt động thiết thực nhằm thu hút đông đảo nông dân tham gia và luôn phát huy tốt vai trò của tổ chức để luôn xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của nhà nông.

Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *