Bên bờ hạnh phúc

Với 192 phiếu thuận và 26 phiếu chống, hôm 26/07, Quốc hội Serbia đã thông qua nghị quyết do chính phủ đề xuất tìm kiếm các cuộc đàm phán mới tại Liên hiệp quốc nhằm thảo luận về vấn đề Kosovo sau khi Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ra phán quyết cho rằng, tuyên bố đơn phương độc lập của Kosovo hồi năm 2008, mà Cộng hòa  Serbia không thừa nhận, là "không vi phạm luật pháp quốc tế".

Ảnh minh họa

Tại phiên họp đặc biệt trên, các nghị sĩ Serbia cho rằng, cần phải nhanh chóng đạt được một nghị quyết ổn định, lâu dài và các bên cùng chấp nhận thông qua các cuộc đàm phán hòa bình, phù hợp với hiến pháp Serbia. Các nghị sĩ khẳng định dứt khoát rằng, Serbia sẽ không bao giờ công nhận tuyên bố đơn phương độc lập của Kosovo.

Beograd sẽ đệ trình dự thảo nghị quyết kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán về qui chế của Kosovo tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc vào tháng 9 tới, đồng thời cam kết sẽ theo đuổi đến cùng cuộc đấu tranh khẳng định chủ quyền dân tộc.

Ngoại trưởng Serbia Vuk Jeremic tuyên bố, đây là một quá trình lâu dài và đầy khó khăn để đi đến thống nhất, song Serbia sẽ không từ bỏ.

Trong một diễn biến có liên quan, hôm 26/07, Ngoại trưởng Cộng hòa Síp, một trong số các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) không công nhận nền độc lập của Kosovo. Ông Markos Kyprianou khẳng định: "Bất kỳ yếu tố nào ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh thổ đều phải được giải quyết thông qua đàm phán, chứ không phải những tuyên bố đơn phương độc lập".

Trong khi đó, EU kêu gọi Serbia và Kosovo bắt đầu đàm phán về vấn đề này. Trước đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton, tuyên bố EU sẵn sàng giúp đỡ Beograd và Pristina tiến hành đối thoại về vấn đề này. Theo bà Ashton, tiến trình đối thoại sẽ giúp hai bên thúc đẩy hợp tác và đạt được tiến bộ trong quá trình hội nhập với châu Âu.

Cho tới nay, phần lớn các nước không công nhận sự độc lập của Kosovo. Nga và Trung Quốc, cùng với sự ủng hộ của phần lớn các nước trên thế giới, đều cho rằng, hành động đơn phương của Kosovo sẽ mở đường cho làn sóng ly khai trên thế giới.

Trong số các nước công nhận độc lập của Kosovo có Mỹ và 22/27 nước thành viên EU. Trong khi đó, Serbia vẫn coi Kosovo là một phần bất khả chia tách và đã kiện tính chất pháp lý của nền độc lập của Kosovo ra ICJ ở La Hay (Hà Lan). Vụ việc này đã gây trở ngại cho Serbia khi nộp đơn xin gia nhập EU.

Thanh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *