Bên bờ hạnh phúc

Theo báo giới địa phương, cuộc đối thoại cấp ngoại trưởng giữa hai nước láng giềng Ấn Độ và Pakistan tại Islamabad vào ngày 15/07 vừa qua có thể mang lại “một luồng gió mới” cho khu vực Nam Á. Khi đó, các bên đã thảo luận về mọi vấn đề hướng tới xây dựng lòng tin và nối lại tiến trình hòa bình song phương. Tuy nhiên, báo giới cũng nhận định rằng, cuộc gặp khó có thể tạo ra bước đột phá trong quan hệ giữa hai nước, vốn đã xấu đi sau vụ khủng bố Mumbai hồi cuối năm 2008.

Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi (phải) đón tiếp Ngoại trưởng Ấn Ðộ S.M. Krishna

Ngoại trưởng Ấn Độ Somanahalli Krishna đã đến gặp người đồng cấp Mehmood Qureshi của Pakistan trong cuộc tiếp xúc cấp cao nhất kể từ khi chính quyền New Dehli dừng tiến trình hòa bình được khởi xướng từ 4 năm trước. Nguyên nhân của sự gián đoạn là do phía Ấn Độ cáo buộc phiến quân Hồi giáo Pakistan tiến hành vụ tấn công thảm khốc tại Mumbai vào tháng 12/2008.

Những bước đi thử nghiệm nhằm khôi phục mối quan hệ mong manh được khởi xướng vào tháng 04/2010 khi Thủ tướng hai nước gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội Hợp tác các nước Nam Á (SAARC) tại Buhtan. Tiếp theo đó là cuộc gặp giữa các quan chức dân sự cấp cao vào tháng 05.

Ngoại trưởng Ấn Độ Krishna cho biết, hai bên đã cố gắng đề ra các phương thức khôi phục lòng tin nhằm mở đường cho một cuộc đối thoại quan trọng về các vấn đề cùng quan tâm.

Trước đó, ông Krishna bày tỏ hy vọng rằng, cuộc đối thoại này có thể mang lại lợi ích khi đôi bên thảo luận về nạn phiến quân xâm nhập biên giới và vấn đề tranh chấp vùng lãnh thổ Kashmir. Ông nhấn mạnh: “Ưu tiên hàng đầu trong cuộc đối thoại lần này là chú trọng tới vấn đề khủng bố bắt nguồn từ Pakistan” điều mà Ấn Độ luôn bày tỏ sự quan ngại sâu sắc. Trong khi đó, phía Pakistan xác định, cuộc đàm phán đề cập tới mọi vấn đề giữa hai nước, nhất là vấn đề an ninh biên giới, tranh chấp Kashmir và tranh chấp nguồn nước.

Theo nhận định của các nhà phân tích, cuộc đối thoại cấp ngoại trưởng giữa Ấn Độ và Pakistan có thể đưa quan hệ hai nước đi theo chiều hướng tích cực. Nhiều chuyên gia cho biết, sự "tan băng" gần đây được khuyến khích bởi các nước đồng minh phương Tây, nhất là Mỹ. Những nước này luôn coi sự ổn định tại Nam Á là chìa khóa để giành thắng lợi trong cuộc chiến tại Afghanistan và mong muốn Pakistan can dự mạnh hơn vào cuộc chiến chống lực lượng dân quân Taliban.

Một loạt vấn đề về tranh chấp biên giới và tài nguyên đã gây chia rẽ trong quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan kể từ khi thực dân Anh phân chia tiểu lục địa này vào năm 1947. Về phía chính quyền New Delhi, vấn đề chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tại Pakistan mới là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Điều đó càng được tập trung hơn nữa sau vụ khủng bố Mumbai làm 166 người thiệt mạng.

Ấn Độ và Mỹ đã cáo buộc tổ chức Lashkar-e-Taiba có nguồn gốc tại Pakistan là thủ phạm gây ra vụ tấn công và yêu cầu chính quyền Islamabad đưa những kẻ chủ mưu ra xét xử. Mặc dù một tòa án Pakistan đã kết án 7 phần tử có liên quan tới vụ khủng bố Mumbai, trong đó có tên chủ mưu Zakiur Rehman Lakhvi. Tuy nhiên, tiến trình xét xử đã diễn ra chậm chạp vì Pakistan yêu cầu nhà chức trách Ấn Độ cung cấp thêm bằng chứng. Giữa 2 quốc gia láng giềng Ấn Độ và Pakistan đã xảy ra 3 lần xung đột từ năm 1960, trong đó có hai cuộc chiến về Kashmir.

Hiện quân đội Ấn Độ đóng ở vùng lãnh thổ tranh chấp này đang phải đối mặt với tình trạng bạo loạn sau khi có những cáo buộc về nạn sát hại thường dân tại khu vực thung lũng có đa số người Hồi giáo sinh sống.

Thanh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *