Bên bờ hạnh phúc

Minh họa: NGUYỄN TÀI

Ngồi mát ăn bát vàng

 

Trước vành móng ngựa, Lê Thị Kiều Loan (SN 1970, ngụ quận Bình Tân) trả lời rành rọt, không quanh co về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình. Do Kiều Loan làm nghề môi giới nhà đất nên một số người nhờ Kiều Loan bán đất giúp đã đưa bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ).
 
Lợi dụng việc này, Kiều Loan nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chị L.T.B- một “đồng nghiệp” với Kiều Loan. Bằng chiêu thức rủ chị B. góp tiền đặt cọc mua các lô đất để sau đó tìm mối bán lại kiếm lời chia nhau (sẽ trả lại vốn cho chị L.T.B khi phi vụ thành công), Kiều Loan đã dần dần đưa chị B. và em gái của chị (L.T.P) vào “tròng” một cách dễ dàng.
 
Thời gian đầu,  Kiều Loan nhờ Đỗ Thị Kim Loan (SN 1968) và Nguyễn Thị Ngọc Truyền (SN 1973) tìm người thân quen giả làm chủ đất, nói dối là đất chưa sang tên nhưng cần tiền nên bán, rồi viết giấy nhận cọc khống để chị B và P. đưa tiền. Về sau, Kiều Loan chỉ cần đưa xem các bản sao giấy CNQSDĐ, nạn nhân liền tin tưởng đưa tiền.
 
Từ tháng 5-2004 đến tháng 1-2006, dù trong tay không có một mét vuông đất nào cũng chẳng môi giới bán đất cho ai nhưng Kiều Loan đã lấy được của chị B. và P. tổng cộng 61 lượng vàng SJC và gần 300 triệu đồng tiền đặt cọc mua đất. Toàn bộ số tiền này Kiều Loan dùng để trả nợ và tiêu xài hết.

 

Liên lụy vì giúp sức lừa đảo

 

Cùng bị truy tố về  tội lừa đảo với Kiều Loan còn có Kim Loan và Truyền, hai người phụ nữ chân quê, nghèo khó, chữ nghĩa lõm bõm. Bị gọi lên trả lời thẩm vấn, bà Kim Loan một mực kêu oan: “Bị cáo đâu có làm gì đâu mà cáo trạng nói là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản? Lỗi của bị cáo chỉ là quá tin tưởng Kiều Loan làm ăn đàng hoàng, lại là chị em bạn dâu nên nhận lời giúp, bản thân bị cáo không hề biết âm mưu lừa đảo của Kiều Loan, nếu biết đã không làm”.

 

Theo bà Kim Loan, nhiều lần Kiều Loan tìm bà tỉ tê tâm sự, nói là muốn kê giá cao hơn để hưởng tiền chênh lệch bán đất nên không muốn người mua gặp trực tiếp chủ đất. Nếu bà giúp tìm người giả làm chủ đất, Kiều Loan sẽ cho tiền (5 chỉ vàng và 2,5 triệu đồng) để trả nợ.

Thấy chẳng mất gì mà lại được lợi, chẳng cần nghĩ ngợi nhiều, bà đồng ý làm theo lời Kiều Loan. Chỉ đến khi bị cơ quan điều tra mời lên làm việc, bà mới vỡ lẽ, vội vàng gom góp, vay mượn để nộp lại số tiền Kiều Loan đã cho bà. “Đề nghị HĐXX xem xét từng chi tiết giúp tôi. Thật sự tôi không có ý lừa đảo ai…”- bà mếu máo.

Cùng chung hoàn cảnh như bà Kim Loan, bị cáo Truyền xin HĐXX khoan hồng vì chỉ giúp sức Kiều Loan một lần. “Bây giờ bị cáo mới hiểu ra nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn, bị cáo mới bị mổ nên chưa có tiền để trả lại…”- Truyền nói.

 

Đối với những người giả làm chủ đất, do mức độ sai phạm có hạn, quá trình điều tra cho thấy họ không biết mối quan hệ của Kiều Loan với bị hại và cũng đã nộp lại toàn bộ số tiền nhận được từ Kiều Loan nên không bị xử lý hình sự nhưng cũng bị lập hồ sơ quản lý giáo dục tại địa phương.

Tất cả họ đều có điểm chung là hoàn cảnh nghèo khó, thiếu hiểu biết pháp luật, tin vào lời nói của Kiều Loan và nhất là vì tham (được hứa hẹn cho tiền) mà nhận lời giúp Kiều Loan để rồi cuối cùng bị liên lụy.

 

Mất tiền vì thấy lợi trước mắt

 

Thiệt thòi nhất trong vụ án là 2 bị hại. Tính từ khi vụ án bị phát hiện, điều tra cho đến hôm nay, toàn bộ số tiền bỏ ra để mua đất… trên giấy vẫn chưa được thu hồi do bị cáo không có khả năng chi trả (ngoại trừ mỗi bị hại được bị cáo “chia lại” 6,7 triệu đồng tiền… hoa hồng). “Của đau, con xót”, trước tòa, họ phẫn nộ yêu cầu bị cáo phải trả toàn bộ số tiền và vàng đã chiếm đoạt.

Đáp lại, “bị cáo xin trả vàng theo giá trị thời điểm đó (5 triệu đồng/lượng vàng SJC)” (?!). “Sự tự nguyện” quá đáng này khiến cho các nạn nhân mất bình tĩnh, phải to tiếng trước tòa cho đến khi bị nhắc nhở. Dĩ nhiên, HĐXX tuyên buộc bị cáo phải trả đúng 61 lượng vàng và gần 300 triệu đồng đã chiếm đoạt của bị hại. Có điều, bao giờ họ sẽ được nhận lại đầy đủ số tiền và vàng này thì chưa thể biết được, bởi bị cáo còn phải thi hành xong bản án 14 năm tù. “Chờ được vạ thì má đã sưng”.

Trước câu hỏi vì sao đặt cọc tiền mua đất rất nhiều lần (tổng cộng 11 lần, chưa kể những lần chị B. và Kiều Loan đã làm thất lạc giấy đặt cọc nên… cho qua) nhưng không lần nào trực tiếp đi xem đất, tìm hiểu kỹ càng, họ trả lời “cũng mấy lần nói Kiều Loan đưa đi xem đất nhưng bị cáo toàn nại lý do bận hoặc chủ đất đi vắng”; “vì sự việc diễn tiến liên tục nên không kịp kiểm tra, mất cảnh giác”; vì tin tưởng và “không biết vì sao lại… dại dột như vậy”. Nhưng điều mà ai cũng dễ nhận ra (nhưng bị hại không muốn thừa nhận), đó chính là lòng tham đã hại chính họ.

Theo Người lao động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *