Bên bờ hạnh phúc

Lương y Hồ Văn Sự (thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế) không ngừng tìm kiếm những loại thuốc đông y để chữa bệnh cứu người

Vốn là con trai duy nhất của một lương y có tiếng ở huyện miền núi Nam Đông, ông Hồ Văn Sự đã bắt đầu học chữa bệnh và tìm hiểu về các loại cây thuốc từ lúc 14 tuổi.

Lương y Hồ Văn Sự với cây sâm mà ông đã sưu tầm và trồng trong vườn nhà suốt mấy chục năm nay

Lương y Hồ Văn Ruồi (cha ông Sự) qua đời, để lại cho ông vườn thuốc và những kiến thức về đông y với mong muốn cứu người dân trong vùng khỏi bệnh tật. Sau khi rời quân ngũ, anh bộ đội Hồ Văn Sự tiếp tục mở rộng vườn thuốc quý để thực hiện mong mỏi của cha.

“Cứ nghe ở mô có cây thuốc lạ là tôi tìm đến xin hoặc mua về trồng để chữa bệnh cho dân nghèo. Có lúc phải vượt núi, băng rừng, gặp thú dữ nhưng vẫn phải tìm cho được thuốc mới về… Mong muốn lớn nhất của tôi là có được vườn thuốc giá trị và bảo dưỡng nó tồn tại mãi để chữa bệnh cho dân nghèo nơi đây”- ông Sự nói.

Vườn thuốc của ông Sự hiện có rất nhiều loại quý như cẩu tích, sâm gấm, dzương ngúc, trường vắt, ha-mu-tin, thạch xương bồ…

Ông Sự nhớ như in về lần vượt núi đi tìm cây thạch xương bồ- một loại cây thuốc quý hiện gần như đã không còn. Để tìm được loại cây này, ông đã phải đi hơn cả tuần trên núi, qua các bản làng. Thậm chí ông đã bị sốt và phải tự mổ vết thương, điều trị bằng thuốc mang theo trong người khi bị rắn độc cắn…

Mỗi lần tìm được một loại thuốc quý, ông Sự lại ghi chép tên thuốc, công dụng, cách điều trị… Chính vì thế, trong tay ông hiện đã có 4 cuốn sách về đông y được xuất bản nhờ sự giúp đỡ của Viện Dược liệu Việt Nam. Những cuốn sách này được ông photocopy thành nhiều bản đưa cho người dân trong vùng đọc để có thể tự chữa bệnh cho bản thân khi cần thiết.

Người miền ngược khi ngã bệnh đều nghĩ ma núi, ma rừng đến bắt. Từ khi biết đến vườn thuốc quý của gia đình ông Sự và tài chữa bệnh của ông, họ mới thay đổi suy nghĩ.

Gia đình anh Trần Văn Suông (ngụ xã Thượng Lộ) vẫn chưa hết bàng hoàng khi anh bị bất tỉnh nhân sự trong lúc đang ngủ với vợ. Gia đình tưởng anh bị ma bắt nên thắp nhang khấn vái nhưng vẫn không thấy tỉnh. Cuối cùng, họ phải tìm đến thầy lang Hồ Văn Sự cầu cứu.

“Biết đây là chứng “thượng mã phong”, tôi đã dùng kim châm vào các huyệt liên quan đến chứng bệnh này. Rứa là anh ta tỉnh thôi”- ông Sự cười nói.

Vườn thuốc từ thiện của ông Hồ Văn Sự có gần 500 loại cây, trong đó có rất nhiều loại quý.

Cũng chính vì cơ duyên với việc chữa bệnh cứu người nên ông Sự mới cưới được vợ. Cùng bản với ông Sự có cô gái Trần Thị Vân, dù nhiều chàng trai muốn hỏi làm vợ nhưng nhất mực không ưng mà chỉ muốn được làm vợ của chàng lương y tốt bụng Hồ Văn Sự.

Lúc đầu, tình yêu của hai người đã bị gia đình cô Trần Thị Vân phản đối gay gắt nhưng trong một lần chữa bệnh cho người con gái mình yêu, ông Sự đã được gia đình nhà gái ưng thuận.

Ông Sự kể với đôi mắt sáng rực niềm vui về kỷ niệm cứu chính vợ mình: “Hồi đó bà ấy bị rắn độc cắn, nhiều thầy lang trong vùng đã hết cách nên tôi đề nghị được chữa trị. Sau khi mổ vết thương và dùng dược liệu đắp vào, tôi tiến hành châm cứu. Và bà ấy đã tỉnh lại!”.

Giọng ông bỗng trở nên buồn buồn nhắc về người vợ ông rất mực yêu thương: “Tôi đã gác lại niềm vui lên đường đi bộ đội. Suốt gần 20 năm bà ấy mòn mỏi chờ tôi trở về. Nhưng khi cuộc sống bắt đầu ổn định thì bà ấy lại bị bệnh tim, bại liệt và rồi bỏ tôi mà ra đi trong đau đớn…”.

Theo Người lao động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *