Bên bờ hạnh phúc

Thạc sĩ Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, chuyên gia tài chính và đầu tư, cho rằng trong bối ảnh kinh tế hiện nay, nếu vận dụng linh hoạt cả hai yếu tố “tiết kiệm” và “kích cầu” để hỗ trợ lẫn nhau thì hiệu quả chống suy thoái kinh tế sẽ phát huy tốt nhất. Dưới đây là bài viết của ông tham gia diễn đàn "Đẩy mạnh chi tiêu hay thực hành tiết kiệm" mà VietNamNet đang tổ chức.

Có lẽ không nên quá phân biệt giữa tiết kiệm và tiêu dùng một cách rành mạch đến mức máy móc. Trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái thì việc làm sao vực dậy nền kinh tế là mục tiêu số một mà quan trọng là thúc đẩy sản xuất gặp tiêu dùng và tạo ra việc làm mới.

Tiết kiệm là cần thiết, nhưng nếu chỉ cất tiền mà không tiêu dùng thì sản xuất vẫn đình đốn, thất nghiệp vẫn không được giải quyết, nền kinh tế vẫn không thể nào vực dậy. Như vậy trong trường hợp nào đó, cả hai yếu tố này áp dụng song song thì hiệu quả lớn hơn.

Chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu là tiết kiệm và cũng là ủng hộ kích cầu. Ảnh: Kim Toàn

Căn nguyên của cuộc khủng hoảng là do sự theo đuổi lợi nhuận cao vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) với việc quản trị rủi ro không tương xứng của các ngân hàng và tập đoàn Hoa Kỳ. Ở Việt Nam khoảng cuối năm 2007 và đầu năm 2008 cũng có dấu hiệu tương tự. Kết quả là giá cả đã thoát ly khỏi giá trị và người có nhu cầu mua nhà để ở và thuê văn phòng nhường sân chơi cho nhà đầu cơ với nguồn vốn chủ yếu từ ngân hàng.

Hậu quả là khi mọi giá trị được xác định lại, giá nhà đất sụt giảm quá nửa đã ảnh hưởng đến các thị trường khác. Vậy nên kích cầu là việc làm cần thiết để thúc đẩy phát triển trở lại và dần dần tiến đến ổn định và phát triển bền vững.

Kích cầu có hai lĩnh vực chính, đó là kích cầu đầu tư và kích cầu tiêu dùng. Kích cầu đầu tư vẫn rất cần thiết. Tuy nhiên, phải xác định đúng đối tượng, lĩnh vực, nếu đồng tiền rót không đúng chỗ lại tạo ra tình trạng dồn vào BĐS như cuối năm 2007 đầu năm 2008, hoặc đầu tư vốn vào các dự án lớn của tập đoàn nhà nước… đưa tình hình kinh tế quay lại những yếu kém như trước đây và quy mô sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều.

Để kích cầu, cần phải phát triển thị trường nội địa để tăng nội lực đối ứng với xuất khẩu tạo một nền kinh tế bền vững. Nhiều nước góp sức hỗ trợ kinh tế Mỹ khi nền kinh tế này bị khủng hoảng. Sở dĩ như vậy là do nền kinh tế Mỹ có khả năng hấp thụ tiêu thụ nội địa rất lớn và đây chính là sức mạnh quan trọng của nền kinh tế này.

Việt Nam với thị trường hơn 80 triệu dân cần được nhìn nhận không phải là một gánh nặng như quan điểm kinh tế kiểu cũ, mà là một nội lực kinh tế sản xuất – tiêu thụ rất quan trọng khiến các nước khu vực đều đánh giá cao và mong muốn đầu tư. Vấn đề là phải làm sao cải tiến khâu phân phối để hàng hóa, dịch vụ được luân chuyển với chi phí thấp. Đây chính là một vế quan trọng để tạo ra nội lực và thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững (cùng với vế kia là xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng).

Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ sản xuất và chi tiêu nhằm kích cầu mà vẫn giúp người dân tiết kiệm được. Ảnh: Kim Toàn.

Chẳng hạn, cũng là kích cầu vào lĩnh vực nhà ở, nhưng không nên đổ tiền vào các dự án BĐS mà nên đẩy mạnh cho vay sửa chữa, nâng cấp nhà. Nhu cầu sửa chữa nâng cấp nhà rất lớn, đưa vốn vào khu vực này trong ngắn hạn tạo ra hàng hóa đáp ứng nhu cầu nhà ở và cho thuê, tạo việc làm và tiêu thụ vật tư. Với giá vật tư đang giảm và lãi suất thấp là cơ hội cho người có nhu cầu về nhà ở. Một yếu tố quan trọng là hạ tầng của Việt Nam có nhu cầu rất lớn, đặt biệt có thể nhanh chóng tạo ra hiệu quả và hoàn vốn nhanh.

Việc tìm cách tăng cường xuất khẩu trong giai đoạn này là rất khó khăn vì suy thoái chung của toàn cầu. Để bù đắp lượng suy giảm từ xuất khẩu, trong ngắn hạn cần đẩy mạnh tiêu dùng nội địa từ những hàng hóa cơ bản nhu cầu thiết yếu của người dân, cũng là những hàng hóa doanh nghiệp trong nước có thể đáp ứng và do đó tạo ra việc làm và đầu tư. Lợi thế của chúng ta trong lĩnh vực này là đa số người dân vẫn có nhu cầu cao về ăn – mặc – ở và đi lại với những mặt hàng trong phân khúc hàng hóa không cao cấp. Đây là thuận lợi cho việc kích cầu tiêu dùng.

Tiết kiệm và kích cầu có thể cho là hai động thái trái ngược, tuy nhiên trong bối cảnh cụ thể của nền kinh tế hiện nay, vẫn có thể vận dụng song song. Tiết kiệm không có nghĩa là thủ tiêu hoàn toàn nhu cầu kể cả nhu cầu tối thiểu. Kích cầu không có nghĩa khuyến khích xa xỉ. Chính trong điều kiện bình thường hoặc sung túc, vẫn phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trong bối cảnh hiện tại, kích cầu và tiết kiệm sẽ gặp nhau ở chỗ khuyến khích sử dụng và cung ứng đủ nhu cầu tối thiểu cho người dân để tìm kế sách chống suy giảm và tiến tới để giữ nền kinh tế bình ổn. Việc Chính phủ “dọn đường” bằng cách nới rộng các chính sách tài khóa như đưa ra gói kích cầu 1 tỷ USD, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ tiêu dùng…, chính là hỗ trợ cho việc tiết kiệm khi kích cầu, vì lúc đó giá hàng hóa thấp xuống, còn người dân vay được tiền để sử dụng, mua sắm.

Tiết kiệm là đương nhiên, nhưng không chỉ tiết kiệm chi tiêu gia đình, người dân, mà lớn hơn và quan trọng hơn là tiết kiệm chi tiêu Chính phủ. Đây mới là khoản tiết kiệm lớn và nếu giải quyết được vấn đề này, nguồn tài chính sẽ có điều kiện rót vào những khu vực cần thiết, chẳng hạn như đầu tư vào doanh nghiệp, giải quyết việc làm…

Đẩy mạnh chi tiêu hay thực hành tiết kiệm?

Dịp Tết Nguyên đán này và cả năm 2009 nhiều khó khăn được dự báo sẽ đến với nền kinh tế nước ta.

Trong bối cảnh đó, không ít ý kiến cho rằng chúng ta càng cần thực hành tiết kiệm, bởi ít thấy một đất nước nào kinh tế còn ở mức nghèo như nước ta mà nhiều người chi tiêu rất phóng túng. Thu nhập bình quân đầu người mới ở mức trên 1.000 đô la mà rượu ngoại đắt tiền uống tràn lan, những loại ô tô xa xỉ giá lên đến cả triệu đô la mà thế giới có mẫu mới nào, Việt Nam cũng gần như có đủ… Chi tiêu như vậy thì làm sao mà giàu có được?

Ngược lại, cũng có không ít ý kiến nói rằng tiêu dùng chính là tạo động lực để phát triển. Người dân không đẩy mạnh chi tiêu, doanh nghiệp khó có động lực để mở rộng sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ mới..thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Theo bạn, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước hiện nay, nên đẩy mạnh tiêu dùng hay thực hành tiết kiệm? Nếu đẩy mạnh tiêu dùng thì nên thực hiện thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất? Tiết kiệm trong bối cảnh hiện nay nên được hiểu và làm thế nào để ích nước, lợi dân ?…VietNamNet trân trọng đón nhận mọi ý kiến của bạn đọc tham gia diễn đàn này.

Theo Thạc sĩ Đinh Thế Hiển (VietnamNet)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *