Bên bờ hạnh phúc

 

 

Vũ, Nguyên được ông T.K.S nhận vào phụ việc bán thịt heo ở chợ, người trước người sau cách nhau gần một năm. Do sống xa gia đình, cả hai được vợ chồng ông S. cho ăn ở trong nhà và xem như thành viên của gia đình.
 
Vũ, Nguyên đồng trang lứa với T.C.T và T.T.D nên vẫn thường chơi với nhau dù giữa họ có hoàn cảnh khác biệt: kẻ làm thuê, người con của chủ.
 
Chiều 15-6-2009, sau khi làm xong phần việc ở chợ Nguyễn Tri Phương, Vũ, Nguyên rủ T. ra trước chợ nhậu. Thỉnh thoảng vẫn thế, nhưng hôm ấy, T. không thể ngờ dù ngồi chung một bàn, nâng ly cùng nhau mà trong đầu của Vũ, Nguyên nhiều ngày trước đã toan tính chuyện giật túi tiền của mẹ T. mà chưa có cơ hội và bây giờ chúng đang bàn đến việc giết cả gia đình T., người đầu tiên chúng ra tay sát hại chính là T.

 

 

Theo lời khai trước tòa, tối hôm đó, sau khi bị ông S. rầy la, không cho đi chơi đêm vì ngủ dậy trễ, Nguyên tức giận chạy lên lầu hạ quyết tâm cùng Vũ “giết tụi nó”.
 
Khoảng 21 giờ, Vũ và Nguyên thủ sẵn dao trong người chuẩn bị hành động, thình lình có việc, T. chở mẹ đi, trong nhà chỉ còn ông S. và D.
 
Vũ phân công Nguyên giết ông S. còn mình sẽ giết D. Tuy nhiên, khi Vũ sát hại D., nghe tiếng động, ông S. chạy lên nên Vũ nhào đến tấn công ông S.
 
Rất may, người hàng xóm mưu trí, phát hiện sự việc bất thường đã tri hô, Vũ sợ bị bắt nên buông ông S. nhằm tìm đường chạy trốn…

 

 

Mỗi chi tiết giết người được Vũ tường thuật lại bằng giọng nói đều đều, rõ ràng đến rợn người khiến đám đông phẫn nộ.
 
Ngồi ở hàng ghế trên cùng, cách các bị cáo một hàng rào cảnh sát bảo vệ, vợ ông S. lặng lẽ khóc. Sự việc xảy ra đã hơn một năm nhưng nỗi đau vẫn như mới hôm qua.
 
Được mời lên, ông S. nghẹn lời, khó khăn lắm ông mới có thể kể về ngày xảy ra thảm kịch của gia đình. Lần này, hàng trăm người ở sân Trường Tiểu học Dương Minh Châu (nơi TAND TPHCM đưa vụ án ra xét xử lưu động) lặng đi.
 
Một cô gái tuổi xuân phơi phới, được học hành đàng hoàng với bao ước mơ và hoài bão tốt đẹp bỗng chốc bị tước đoạt quyền được sống bởi chính những người mà cô xem như bạn, buổi chiều còn chơi đùa thân thiện với nhau. 

 

 

Trả giá

 

 

Lê Thanh Vũ: Tử hình, Hoàng Cao Nguyên: tử hình. Vị đại diện VKSND TPHCM giữ quyền công tố tại tòa giữ nguyên đề nghị của mình, cho dù các luật sư cố gắng tranh luận đối với pháp luật, Vũ được xem là người thành niên vì đã bước qua tuổi 18 nhưng thực tế, Vũ gây án ngay trong ngày sinh nhật của mình, vẫn chưa phải là người có đủ suy nghĩ chín chắn; Nguyên có bàn bạc nhưng không thực hiện hành vi, không cầm hung khí, không bỏ trốn; bản thân các bị cáo là lao động nghèo, chưa tiền án tiền sự, biết ăn năn hối cải…, án tử hình là quá nghiêm khắc.
 
Vị công tố nói ông đồng ý với các luật sư, rằng các bị cáo nhân thân tốt, tuổi đời còn rất trẻ nhưng điều khiến ông đề nghị khung hình phạt cao nhất đó chính là hành động nhẫn tâm, quyết tâm phạm tội tới cùng đến mất nhân tính của các bị cáo. HĐXX đã tuyên mức án tử hình đối với Vũ và chung thân cho Nguyên.

 

 

Một bản án nghiêm khắc, đúng người đúng tội đã nhận được sự đồng tình của những người dự khán. Riêng người đàn ông gầy úa, nhàu nhĩ, từ đầu đến cuối phiên tòa ngồi như dán chặt ở hàng ghế thứ ba, không trò chuyện, ít khi ngước nhìn ai, đã đưa tay quệt nhanh đôi mắt ầng ậng nước, như sợ bị phát hiện.
 
Có lẽ cảm nhận được người thân ở quanh đâu đó, Vũ quay vội người về sau tìm kiếm rồi thất vọng lê bước theo cảnh sát ra xe. Giữa hàng trăm người như thế, biết cha ngồi nơi đâu?

 

 

Tôi nán lại, mong có thể hỏi chuyện cha Vũ nhưng lại ngần ngại, sợ vô tình đem đến những rắc rối cho ông. Vậy mà cũng có nhiều người tinh ý phát hiện: “Cha thằng Vũ đó!”. Không thể và không dám công khai chạy đến dù chỉ để nhìn và gọi tên con, nuốt nỗi đau và tình thương con vào lòng, ông chụp vội chiếc mũ rộng vành đội lên đầu, lầm lũi bước nhanh ra khỏi nơi xét xử, trong tiếng bàn tán, chỉ trỏ không dứt.
 
Nhìn cảnh ấy, một phụ nữ có gương mặt khá phúc hậu nói với tôi: “Có người làm cha mẹ nào sinh con ra lại muốn con thành kẻ giết người, cướp của; lại càng không bao giờ mong muốn con bị người đời nguyền rủa, pháp luật trừng phạt với mức án cao nhất: tử hình. Dù sao, trách ổng cũng tội nghiệp…”. Giá mà Vũ nhìn thấy cảnh ấy để hiểu mình đã gây đau khổ cho gia đình như thế nào.
 

Bài học cảnh giác

 

 

Trong khi chờ nghị án, nhiều người dân – những người từng quen biết Vũ, Nguyên và gia đình bị hại – vây quanh chúng tôi bộc lộ suy nghĩ: “Bình thường tụi nó hiền lắm, chơi ra chơi, làm ra làm. Ai mà ngờ được tụi nó hành động dã man như vậy? Nhà nghèo quá, đi làm mướn cho người ta, cuộc sống thiếu trước hụt sau, trong khi hằng ngày chứng kiến nhà chủ giàu có… Tiền khiến tụi nó lóa mắt, làm bậy…”.
 
“Gia đình nạn nhân cũng thật thiếu sót khi thuê người giúp việc, cho ăn ở trong nhà chỉ thông qua người môi giới (xe ôm), giữ giấy CMND mà không kiểm tra rõ lai lịch đối tượng. Nuôi người như vậy khác gì nuôi mầm nguy hiểm trong nhà”.

 

 

Đứng trên phương diện nào đó, buổi xét xử lưu động hôm nay đã thành công khi thu hút được nhiều người tham dự và họ đã rút ra những bài học quý giá cho mình

Theo Người lao động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *