Bên bờ hạnh phúc

Ngày 16-10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) dự án Luật An toàn thực phẩm. Các đại biểu QH thống nhất đạo luật là cần thiết nhưng nhiều người băn khoăn ở tính khả thi và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nó.

Bán thức ăn phải có kiến thức

Trong 11 chương, 72 điều thì dự luật dành hẳn một mục nói về quản lý thức ăn đường phố. Dự luật quy định từ cách bày bán thức ăn đến sức khỏe, kiến thức của người bán hàng.

Tới đây, thức ăn đường phố như thế này sẽ được quản lý chặt chẽ về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: HTD

Theo dự luật, vị trí bày bán thực phẩm phải xa cống rãnh, bãi rác và các nguồn gây ô nhiễm. Thức ăn phải bày bán trên bàn, trên giá, kệ cao hơn mặt đất. Dụng cụ ăn uống, chứa thực phẩm phải được rửa sạch, khử trùng trước khi sử dụng.

Nơi bày bán thức ăn phải có phương tiện che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng. Phải có đủ nước sạch cho việc chế biến, vệ sinh ăn uống. Người làm dịch vụ kinh doanh thực phẩm đường phố phải tuân thủ quy định của pháp luật về sức khỏe, kiến thức.

Thẩm tra phần này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu quan điểm: Đây là loại hình kinh doanh chiếm số lượng rất lớn vì đặc thù của nền sản xuất, chế biến thủ công đi lên công nghiệp của nước ta. Các cơ sở chế biến thức ăn đường phố phần lớn không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Loại hình kinh doanh này lại phụ thuộc và chịu tác động rất lớn của tập quán ăn uống và điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương. Trong khi lực lượng thanh, kiểm tra quá mỏng thì dự luật lại không nêu hết trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý nó. Vì thế, việc quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động này nên giao cho họ.

Chỉ rõ ai quản lý mới khả thi

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cũng đồng tình là dự luật cần đưa các quy định cụ thể là ai chịu trách nhiệm chứ nêu chung chung sẽ không khả thi, có vi phạm cũng khó xử lý.

Có điều này vì trong dự luật chỉ nêu nguyên tắc: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện. Các bộ quản lý chuyên ngành quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo phân công của Chính phủ. Chủ tịch UBND các cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong phạm vi địa phương mình.

Theo dự luật, người bán thức ăn đường phố như thế này phải có đủ kiến thức và tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: HTD

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng luật cần nêu rõ hơn mới có thể quản lý được toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm. Luật cũng cần dự liệu để tránh một cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm có quá nhiều cơ quan quản lý nhà nước vào thanh tra, kiểm tra. Nên phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương để giảm đầu mối các bộ tham gia quản lý.

Ông Nguyễn Đức Kiên nói thêm: “Những người chịu tác động của luật này rất lớn vì phần đông chúng ta ăn uống ở vỉa hè. Nếu luật đã giao cho Bộ Y tế làm đầu mối quản lý thì phải ghi rõ các nhóm công việc phải chịu trách nhiệm. Không nêu chung chung”.

Theo Pháp luật TPHCM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *