Bên bờ hạnh phúc
Một chiếc thuyền của người Việt ở Biển Hồ. Ảnh: Nhân Dân.
Một chiếc thuyền của người Việt ở Biển Hồ. Ảnh: Nhân Dân.

Sống trên những chiếc thuyền nhỏ lênh đênh trên Biển Hồ ở Campuchia, nhiều em bé người Việt chưa từng được đặt chân đến trường.

Chiếc nhà bè rộng trên Biển Hồ thuộc tỉnh Kampong Chnăng của Campuchia là nơi sinh hoạt cộng đồng dành cho người Việt ở đây.

Bên trong là hai dãy ghế, một bên người lớn, một bên trẻ em, chật kín người. Một bé gái nói rất rành tiếng Việt. “Trời chưa sáng, mẹ đã giục hai em thức dậy để mẹ bơi xuồng đưa đến đây xếp hàng nhận quà. Hôm nay có đoàn công tác từ thiện từ Việt Nam sang. Mẹ nói như vậy”, cô bé cho hay.

Bé gái tên là Lê Thị Tiểu Yến còn bé trai là Lê Na Đô. Tiểu Yến năm nay 11 tuổi, còn Na Đô lên 8. Mặc dù nói rành tiếng Việt, nhưng Tiểu Yến không biết quê em ở nơi nào trên đất nước Việt Nam.

Từ khi sinh ra đến nay, hai đứa chỉ quanh quẩn trên bè, trên xuồng nổi trôi theo con nước, chưa một lần được đặt chân đến chợ huyện và cũng chưa một lần được theo cha mẹ về Việt Nam. Tiểu Yến đã học tiếng Việt được 3 năm, còn Na Đô thì mới học, nên chưa biết chữ Việt. “Cha em làm nghề hớt tóc, còn mẹ bán chè. Mẹ bơi xuồng đi bán rồi”, Na Đô cướp lời chị.

Không may mắn như Tiểu Yến và Na Đô, bé Hên đã 9 tuổi nhưng vẫn chưa được đi học. Đầu trần, mình không áo, trên người chỉ có cái quần cộc, trông Hên như cục than biết đi. Vì chưa đi học nên Hên không có phiếu nhận quà. Em và một bé gái cũng là người gốc Việt đứng nép mình vào một gốc cột, tròn xoe đôi mắt nhìn mọi người. “Nhà cháu ở xa lắm! Cha mẹ làm nghề lưới. Cháu chưa được đi học”, Hên nói rồi cười, lộ ra hàm răng trắng khi nghe hỏi em có muốn đi học không.

“Mình không có phiếu, người ta không phát đâu?”. Nghe nói tiếng Việt, tôi quay lại, thấy một người đàn ông đang cố đẩy một bé trai về phía trước. Tôi hiểu ý của người đàn ông kia muốn đẩy bé trai vào hàng để được nhận quà, nhưng em gượng lại vì không có phiếu của chính quyền phát. Em cho biết tên là Nguyễn Văn Hoàng nhà có 4 anh em đang sống cùng với mẹ. Cách đây vài tháng, cha em bị tai biến đã trở về Việt Nam trị bệnh. “Nhà em làm nghề bán cá, hôm nào mua được nhiều thì có dư chút đỉnh, hôm nào mua ít thì đủ ăn. Kiếm được tiền còn phải dành dụm gửi về Việt Nam trị bệnh cho ba”, Hoàng bộc bạch.

Nhiều người Việt đang sinh sống và làm ăn tại Biển Hồ, ai cũng vui mừng vì hai ngôi trường trong khu vực vừa được khánh thành và sẵn sàng đón học sinh vào năm học mới, trong đó có một ngôi trường chính quyền sở tại thông báo sẽ tổ chức dạy tiếng Việt.

Hai ngôi trường mới nằm trên hai nhà bè lớn neo cặp với nhà sinh hoạt cộng đồng. Trường được cất dựng bằng cây, ván tốt, đã trang bị đầy đủ bàn nghế, bảng đen và những vật dụng cần thiết khác. Mỗi ngôi trường có ba phòng, gồm hai phòng học và một phòng giáo viên.

Ở Biển Hồ trường dạy chữ Campuchia vẫn còn thiếu, nên việc chính quyền tổ chức dạy chữ Việt hầu như không có. Nhưng cộng đồng người Việt sống ở đây đông, hầu hết người lớn tuổi đều không biết chữ, nên họ luôn tha thiết có trường, có thầy để con cái của họ được đi học. Họ quan niệm, học để biết chữ mẹ đẻ, để nhớ về quê hương, về nguồn cội.

Một vài gia đình khá giả, có nhà bè lớn, giàu lòng hảo tâm, đã đứng ra tổ chức những lớp học chữ Việt rồi vận động các nhà hảo tâm ở Việt Nam gửi tập, sách giáo khoa sang cho, tìm những người khá chữ Việt về dạy cho lũ trẻ.

Cũng có một vài lớp học được lập ra nhưng duy trì không đều, vì nhiều nguyên nhân. Mùa lũ, Biển Hồ mênh mông nước. Thuận theo thiên nhiên và trong cuộc mưu sinh, những nhà bè phải thả trôi theo dòng nước. Làng bè tan rã. Con nước lũ đã vô tình đánh tan những lớp học, mơ ước học tập của các em.

“Cách đây không xa có lớp học của cô Thắm. Khi làng lập, cô tổ chức dạy chữ Việt cho bọn trẻ trên chính ngôi nhà bè của mình. Có những lúc học sinh đến đông, nước ngập lên đến chân. Nhưng bọn trẻ được học chúng vui lắm! Cô Thắm cũng mừng lắm vì có học sinh đông”, ông Lê Văn Lời, người nhận xây dựng lớp học, nói.

Ông Lời bắt đầu kể lại cuộc tha phương cầu thực của gia đình mình. Năm 1975, gom góp ít tài sản, đôi vợ chồng trẻ xuống xuồng ngược dòng Mekong tìm đến cái bao la của Biển Hồ với một mong muốn thỏa chí tang bồng. Sáng thả câu, chiều buông lưới, tối lai rai sị đế, nhưng cuộc sống chú Lời cho rằng hạnh phúc trong tự do tự tại không tồn tại được lâu. Gia đình chú cùng một số người Việt khác phải vội vã trốn về Việt Nam vì bị quân Pol Pot truy sát.

Trở về Việt Nam làm lụng cắc củm được ít tiền, năm 1980 tình hình ở Campuchia êm dịu, ông Lời lại cùng vợ và ba đứa con nhỏ một lần nữa quay sang Biển Hồ sinh sống. Trở lại với nghề cũ, nhưng cuộc sống ngày một chật vật, vì cá ngày một hiếm, người làm nghề này ngày một nhiều, con ngày một đông. Có nghề mộc trong tay, ông chuyển sang nhận đóng xuồng, tủ, bàn, ghế và làm cả nhà bè cho những người mới sang. “Cuộc sống giờ đã dễ thở hơn, không ai bắt bớ. Trước đây làm nghề lưới tích cóp chút đỉnh thì lưới rách, bị kiểm bắt, thế là trắng tay!”, ông nói.

Cùng cảnh như ông Lời, bà Nguyễn Thị Hoa, 52 tuổi, quê ở tỉnh Sông Bé (cũ) cũng đã sang Biển Hồ sinh sống gần 30 năm. Bà Hoa là thông gia với ông Lời, nhưng cuộc sống thì vất vả hơn nhiều. Bà Hoa đã 12 lần hạ sinh trên thuyền bè nhưng chỉ nuôi được 7 người con. Trước đây, bà cùng chồng sống bằng nghề chài lưới, nhưng ông bà tuổi ngày một cao. Ông đau bệnh liên miên, bà chuyển sang nghề bán xôi bắp.

Cũng như ông Lời, bà Hoa, nhiều gia đình người Việt đang sinh sống ở Biển Hồ dù rất nhớ quê hương, nhớ bà con cô bác nhưng rất ít lần được trở về Việt Nam do không có điều kiện. “Từ năm 80 đến giờ, tôi chỉ về Việt Nam được một lần. Tôi rất nhớ quê hương, nhớ bà con nhưng không có tiền về quê”, bà Hoa buồn bã nói.

Theo thống kê của chính quyền sở tại, tại tỉnh Kampong Chnăng hiện có khoảng 11.200 hộ, với khoảng 55.200 khẩu là kiều bào Việt Nam đang làm ăn sinh sống. Riêng tại xã Chhok Tru có khoảng 1.000 hộ, với hơn 4.500 khẩu. “Đa số người Việt sống tại Biển Hồ đều nghèo. Cuộc sống của họ chủ yếu bằng nghề chài lưới và mua bán trên nước”, ông Som Chi, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Campuchia cho biết.

Theo Nhân dân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *