Bên bờ hạnh phúc

Đầu tháng 8, giá nhà trọ ở Hà Nội tăng từ 150.000 đồng đến 300.000 đồng một phòng, có chỗ tăng xấp xỉ gấp đôi. Tình trạng này khiến nhiều sinh viên phải loay hoay với việc cân đối lại quỹ tiền có hạn để không bị “cháy túi”.

Tại các khu nhà trọ ở khu vực có nhiều ĐH, CĐ như: Cầu Giấy, Nguyễn Trãi, đường Láng giá hầu hết các phòng trọ tăng 200.000 – 400.000 một phòng. Các khu trọ ở nơi ít sinh viên hơn giá cũng tăng 100.000 – 200.000 đồng.

Phạm Thị Dung, sinh viên năm thứ 2, ĐH Sư phạm Hà Nội vừa lên Hà Nội được hai tuần đã tiêu gần hết số tiền 1.600.000 đồng bố mẹ cho hai tháng. Dung đang ở một phòng trọ cấp 4, rộng khoảng 9 m2, nền đá hoa, phòng vệ sinh chung với giá một triệu đồng một tháng. Dung chia sẻ: “Phòng này trong hè chỉ 800.000 đồng một tháng nhưng giờ chủ nhà tăng lên một triệu, chị bạn trước ở cùng tốt nghiệp rồi, chưa tìm được bạn ở cùng nên em "ôm" cả ”.

Các nhà trọ thi nhau tăng giá khiến nhiều sinh viên dù đã chạy đôn chạy đáo làm thêm vẫn "méo mặt".

Cũng theo Dung, để khống chế tình trạng "viêm màng túi”, Dung đã phải cắt suất ăn sáng, hai bữa chính cũng chỉ dám ăn cơm rau với đậu phụ.

Chung tình cảnh, Nguyễn Thị Trang, sinh viên năm thứ ba, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, thuê nhà trọ trong ngõ 228 Nguyễn Trãi bỗng dưng phải bỏ thêm 500.000 trả tiền nhà trọ trong khi nơi làm thêm cũ đã mất chỗ, chỗ mới thì chưa tìm được.

Trang than thở: “Giá phòng trọ đang 1,2 triệu nhảy vọt lên 1,5 triệu mà chủ nhà không báo trước từ trong hè để em chuẩn bị. Đã thế, chủ nhà còn thu trước 200.000 đồng của tháng sau. Với giá cũ chúng em ở ba người, thi nhau đi làm thêm đã khốn đốn, giờ tăng như vậy chúng em chưa biết xoay sở thế nào”.

Không chỉ những sinh viên cũ mà những tân sinh viên tuy chưa nhập học cũng canh cánh nối lo thuê phòng. “Em chưa nhận được giấy báo nhưng đối chiếu điểm chuẩn và điểm thi biết em đỗ, bố mẹ cứ thúc lên tìm phòng nhưng ba ngày rồi mà em chưa tìm được phòng có giá tiền phù hợp”, Hoàng Thị Dương, thi vào ĐH Sư phạm ngoại ngữ, chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Phương, chủ nhà trọ trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, cho biết, thời gian này, nhà bà tăng đồng loạt mỗi phòng 200.000 đồng. “Cả khu này nhà nào cũng tăng, nhà tôi tăng ít, chứ có nhà còn tăng 300.000 – 400.000. Giá cả thị trường tăng nên chúng tôi phải tăng để đủ trang trả cho cuộc sống gia đình mình”, bà Phương phân trần.

Cũng theo bà Phương, người có nhu cầu thuê phòng trọ ngày càng nhiều trong khi lượng phòng cho thuê hạn hẹp cũng là nguyên nhân khiến các chủ nhà thi nhau tăng giá. “Nhà khác tăng mà nhà mình không tăng thì thiệt, lại mang tiếng “chê tiền”. Ấy thế mà, ngày nào cũng có người đến hỏi thuê nhưng không còn phòng”, Bà Phương thanh minh.

Chỗ ở ký túc xá ngoài tầm với?

Trong thời điểm này những sinh viên “xí” được chỗ trong ký túc xá là một may mắn lớn. Theo nhận xét của đa số sinh viên các ĐH ở Hà Nội, giá ở nội trú chỉ bằng 1/5 – 1/10 giá thuê ngoài, an ninh tốt, dù thình thoảng thiếu nước nhưng vẫn tốt hơn nhiều so với cuộc sống ở trọ nhà dân.

Sau một năm ở trọ ngoài, Nguyễn Trà My, sinh viên năm thứ hai, Học viện Ngân hàng khao khát có một chỗ ở trong ký túc. “Ngay từ năm đầu tiên em đã muốn được ở trong ký túc xá nhưng em không thuộc diện ưu tiên nên không được ở”, My tiếc nuối.

Không chỉ sinh viên, việc đăng ký được một chỗ ở trong ký túc còn là mong muốn của đa số phụ huynh. Thậm chí, có người còn "chạy" giấy tờ hộ nghèo ở địa phương để con mình được ở ký túc xá. Chị T., phụ huynh một tân sinh viên ĐH Y Hà Nội tiết lộ: “Gia đình muốn cháu ở ký túc xá để vừa đi học gần, vừa yên tâm, chi phí thuê phòng không mấy. Nhà đã có giấy chứng nhận hộ nghèo nhưng không biết có được không”.

Những chỗ như thế này trong ký túc xá, mỗi sinh viên chỉ phải đóng 100.000 – 120.000 đồng một tháng.

Trao đổi với Đất Việt, ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng, cho biết, mỗi sinh viên ở ký túc xá của trường chỉ đóng khoảng 100.000 đồng một tháng. Tuy nhiên, hiện nay khu ký túc xá của trường chỉ có khoảng 350 chỗ, dành cho sinh viên thuộc diện chính sách. Số chỗ này mới đáp ứng được khoảng 20% sinh viên có nhu cầu ở ký túc xá. “Trong năm tới, nhà trường nhận trợ cấp từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ sẽ xây dựng tòa nhà 17 tầng, lúc đó mới đáp ứng được tương đối nguyện vọng ở ký túc của sinh viên”, ông Dũng thông tin.

Mặc dù một khu nhà mới đã được đưa vào sử dụng, có thêm 400 chỗ ở cho sinh viên nhưng các khu ký túc xá của ĐH Công đoàn cũng mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của khoảng 40% sinh viên. Mỗi chỗ ở trong khu nhà ký túc xá mới xây có giá 180.000 đồng một tháng, chỗ ở sạch đẹp, bốn người một phòng. Còn ở trong khu nhà cũ mỗi sinh viên chỉ phải đóng120.000 một tháng.

"Chỗ ở trong ký túc xá hiện nay trước hiết ưu tiên xét cho những sinh viên là con em trong diện chính sách, hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa. Sau đó còn chỗ mới xét đến những sinh viên có hoàn cảnh bình thường. Hiện nay nhà trường cũng chưa có chế độ ưu tiên ở ký túc xá đối với những thí sinh thi đạt điểm cao”, ông Tạ Minh Kháng, Hiệu phó ĐH Công Đoàn cho hay.

Về tình trạng chạy chọt vào ở ký túc xá ở một số trường mà dư luận phản ánh ở đầu năm học những năm trước, ông Kháng khẳng định, tình trạng này không xảy ra ở ĐH Công Đoàn. Tuy nhiên, những "chỗ quen biết" có sự ưu tiên hơn những sinh viên bình thường. “Sau khi nhà trường xét hết các đối tượng ưu tiên mà vẫn còn chỗ trống thì nhà trường xem xét đến các đối tượng ngoại giao. Những sinh viên đó chủ yếu là con em lãnh đạo ở các tỉnh gửi gắm", ông Kháng nói.

Theo Đất Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *