Bên bờ hạnh phúc

Bản báo cáo lần 3 về đồ án Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 một lần nữa gây tranh luận về vấn đề vị trí Trung tâm Hành chín quốc gia, nên nằm trên trục Láng – Hòa Lạc hay tại chân núi Ba Vì, điểm cuối trục Thăng Long?

Nội dung báo cáo lần 3 trước Thường trực Chính phủ, Liên danh tư vấn quốc tế PPJ nhận định vị trí Trung tâm Hành chính quốc gia có thể chưa được xác định trong thời điểm hiện tại và sẽ mất một vài thập kỷ để có thể chuyển trung tâm này lên phía Tây hành lang xanh. Phương án PPJ đề xuất cân nhắc giữa phía Bắc của Hoà Lạc hoặc phía Tây hồ Đồng Mô, nằm trong ranh giới đô thị vệ tinh Hoà Lạc. “Điều này cần nghiên cứu chi tiết để có đề xuất hợp lý” – đơn vị tư vấn nhấn mạnh.

Ngày 4/3 vừa qua, trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho biết: “Sau năm 2030 sẽ xây 1 khu hành chính ở chân núi Ba Vì, gần Hòa Lạc. Đến lúc đó mới chuyển các Bộ ngành ra đó. Chính phủ đang tính toán những bước đi thích hợp”.

Theo đó, đồ án quy hoạch chung đã được Thủ tướng, Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương. Bên cạnh trục giao thông Láng – Hòa lạc, trục Thăng Long cũng được định hình, nối từ đường Hoàng Quốc Việt cắt Phạm Hùng, chạy lên Ba Vì.

Trục Láng – Hòa Lạc với vai trò kết nối 2 khu vực cũ – mới của thủ đô.

Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn phân tích hiện chưa có điều kiện kinh tế để xây dựng ngay một Trung tâm Hành chính quốc gia mới nhưng trong quy hoạch sẽ dành khu đất ở chân núi Ba Vì để xây dựng. Chuẩn bị cho phương án này sẽ có chương trình giãn dần các Bộ ngành ra khỏi trung tâm thành phố. Khu vực Mỹ Đình hiện tại chỉ dự kiến bố trí một số Bộ, ngành.

Kiến trúc sư Ngô Trung Hải – Quyền Viện trưởng Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị và nông thôn – cho rằng, Trung tâm Hành chính quốc gia là câu chuyện của 20 năm sau. Còn hiện tại, theo đề xuất của tư vấn, thủ đô Hà Nội sẽ có 3 trung tâm: Trung tâm Chính trị của Thủ đô (nơi làm việc của UBND thành phố, Thành uỷ Hà Nội) vẫn được quy hoạch ở vị trí hiện nay. Trung tâm Hành chính – chính trị quốc gia (nơi làm việc của các cơ quan Trung ương Đảng, Quốc hội và Nhà nước) vẫn đặt ở Ba Đình. Còn các cơ quan làm việc của Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, về lâu dài khi đủ điều kiện sẽ được tính toán để xây dựng tập trung.

Vị trí đặt các cơ quan của Chính phủ, theo ông Hải, dự kiến sẽ nằm tại Hoà Lạc, khu vực cạnh sân golf Đồng Mô, gần hồ Ngải Sơn. Tuy nhiên, trong vòng 20 năm nữa, các bộ ngành thuộc Chính phủ sẽ được quy hoạch tập trung xung quanh đường vành đai 3, cụ thể là xung quanh khu vực Trung tâm Hội nghị quốc gia.

Theo nhiều chuyên gia, vị trí phía bắc Hoà Lạc mà đơn vị tư vấn đề xuất tỏ ra thuận lợi vì bám theo trục giao thông huyết mạch Láng – Hòa lạc đã hình thành, sẽ đòi hỏi đầu tư hạ tầng ít hơn và sẽ ít ảnh hưởng hơn đến các khu vực tự nhiên nhạy cảm gần Ba Vì.

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN Nguyễn Tấn Vạn cho rằng việc lựa chọn địa điểm xây dựng Trung tâm Hành chính quốc gia trước mắt ở Mỹ Đình và lâu dài ở chân núi Ba Vì cần được xem xét kỹ về khả năng quỹ đất, sự hợp lý về vị trí xây dựng trong cơ cấu quy hoạch chung của Thủ đô tương lai. Ông Vạn lưu ý vùng núi Ba Vì chỉ thích hợp là vùng bảo vệ thiên nhiên, du lịch sinh thái và là vùng tâm linh quan trọng của Hà Nội mở rộng.

Theo Dân trí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *