Bên bờ hạnh phúc

“Hiện tại mấy mẹ con em đang sống trong căn nhà hàng xóm bỏ hoang, lúc căn nhà ở gần bờ sông bị sạt lở. Trong nhà không có điện nước, nước phải xách ở dưới sông, dưới đìa lên xài và phải xài đèn dầu. Nghe mẹ nói người ta sắp lấy lại nhà, em rất buồn, vì không biết mấy mẹ con sẽ phải ở đâu. Cuộc sống đã khó khăn với nhiều khoảng chi phí học tập, ăn uống…nếu phải thêm tiền nhà trọ thì càng khó khăn hơn…" Những lời tâm sự của cô học trò nghèo Thắm Phượng đã phần nào khắc họa được hoàn cảnh hiện tại của một gia đình vốn không có sự hiện diện của một người trụ cột…

Video clip chương trình Thắp sáng niềm tin – Kỳ 306: Em Lê Thị Thắm Phượng

Cũng theo lời kể của chính quyền địa phương và bà con ở ấp Bình Khương, xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, thì ngôi nhà mà em Lê Thị Thắm Phượng vừa kể là của một người dân đã chuyển đi nơi khác sinh sống từ rất lâu. Thương cho hoàn cảnh không nhà của 5 mẹ con Phượng, bà con đã tìm cách liên lạc với chủ nhà để mẹ con em có nơi tá túc. Thực ra chỗ ở này cũng không được an toàn vì đã bỏ hoang từ lâu, tường nứt nhiều chỗ phủ đầy rong rêu, mái ngói thì không còn nguyên vẹn…và đó cũng không phải là nơi sống tạm duy nhất của gia đình này sau khi căn nhà nhỏ nằm cạnh bờ sông đã bị nước cuốn.

Ý thức là người chị lớn trong gia đình, Phượng luôn tỏ ra chững chạc, làm chỗ dựa tinh thần cho mẹ và các em

Trong chuỗi ngày phải đương đầu với biết bao khó khăn, hơn lúc nào hết, 4 đứa trẻ thơ cần lắm bàn tay bảo bọc của một người cha, thì cùng lúc ấy cha Phượng lại bỏ ra đi, đến nay đã ngót nghét 5 năm trời. Tuổi thơ chịu nhiều thiệt thòi như vậy, nhưng thành tích học tập của cô trò nhỏ suốt những năm qua luôn là niềm tự hào và là niềm an ủi lớn lao đối với người mẹ nghèo tảo tần trên bước đường mưu sinh gian khó. Tuy phải dành phần lớn thời gian để đi làm thêm, đỡ đần phụ mẹ, nhưng nhiều năm liền Thắm Phượng đạt thành tích học tập giỏi, có năm xuất sắc với điểm trung bình môn đạt trên 9 chấm. Kết quả thi tuyển vào lớp 10 trường THPT Bình Phục Nhứt, Phượng lại là á khoa toàn trường. Sắp tới sẽ là một năm học mới với biết bao dự định cho tương lai, và cũng sẽ nhiều khó khăn, thử thách mới đang chờ đợi, nhưng ước mơ đang đến rất gần với cô học trò nghèo nhưng giàu nghị lực này.

Chị Võ Thị Loan sinh ra và lớn lên ở một miền quê của tỉnh Thừa Thiên Huế. Vì nhà nghèo, cha chị lại sớm qua đời, cuộc sống gia đình vất vả khi một mình mẹ chị quanh năm suốt tháng lên rừng kiếm củi mang ra chợ bán để nuôi con nên cả sáu chị em không ai được học hành. Tha hương kiếm sống rồi trôi dạt vào miền Nam, bằng sự siêng năng, chăm chỉ, chị luôn hy vọng sẽ thay đổi cuộc đời. Thế nhưng sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, chị Loan phải lẻ loi bám trụ lại đất Tiền Giang, gồng gánh nuôi bốn đứa con bằng công việc lặt hành thuê ngoài chợ. Bao nỗi lo cho cuộc sống cơm áo gạo tiền, cũng không bằng nỗi lo các con bị dang dở việc học – niềm khát khao về một tương lai tươi sáng cho các con bằng con đường tri thức luôn là động lực phấn đấu suốt bao năm qua của người mẹ nghèo.

May mắn là các con của chị đều hiếu thảo, chăm ngoan. Vậy nên trong căn nhà hoang tàn, lạnh lẽo vì rêu phong, vẫn luôn ấm áp tình yêu thương và không khí lao động, học tập hăng say của những thành viên trong gia đình này. Cả bốn đứa trẻ ngoài giờ học đều phụ giúp mẹ làm thêm những công việc vừa sức và quan trọng là luôn đạt thành tích học tập khá, giỏi.

Nơi góc chợ, từ sáng sớm cho đến tối mịt, chị vẫn miệt mài với công việc lặt hành mong kiếm được vài chục ngàn nuôi con. Nhiều lúc không biết vì mùi hành hay nghĩ tủi phận mình mà chị bỗng nghe cay xè nơi khóe mắt. Nhưng bao năm qua, trên bước đường mưu sinh, người phụ nữ tảo tần chưa bao giờ cho phép mình chùn bước với quyết tâm dành tất cả những gì tốt đẹp nhất mà mẹ có được cho các con.

Sống trong hoàn cảnh gia đình chia ly, Thắm Phượng luôn khao khát có được tình cảm thiêng liêng, sự chở che, lời dạy bảo ân cần của một người cha. Trong những bữa cơm quây quần của mấy mẹ con, em thầm mong có cha hiện diện để gia đình mình được trọn vẹn, ấm cúng. Để rồi cho đến hôm nay, điều đó vẫn mãi chỉ là ước mơ. Giấu nỗi buồn vào tận sâu tâm hồn còn non nớt, cô trò nhỏ lấy việc học là mục tiêu phấn đấu trong cuộc sống của mình và luôn tự nhủ lòng phải mạnh mẽ hơn để chia sẻ với mẹ bao khó khăn khi cuộc sống không có cha kề bên chăm sóc.

Không gian phía trước nhà là nơi sáng sủa và tươm tất nhất nên được chọn làm góc học tập hằng ngày của mấy chị em Thắm Phượng. Dù chỉ bắt đầu giờ học tại nhà sau thời gian phụ mẹ đi lột hành thuê hay bắt gà mướn, thế nhưng Phượng vẫn có một cách riêng để tập trung tốt nhất vào bài học của mình. Những lúc trang sách được giở ra, Thắm Phượng lại thấy dường như cánh cửa tương lai của mình đang ở trước mặt. Khắc ghi sự giúp đỡ kịp thời, những lời động viên của thầy cô, bạn bè trong những lúc khó khăn, Phượng mong muốn mình được trở thành một giáo viên trong tương lai để giúp đỡ cho những em học sinh nghèo khác như một lời tri ân sâu sắc của em với cuộc đời này.

Xin chúc cho em có đủ niềm tin và nghị lực thể thực hiện ước mơ đầy ý nghĩa.

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Lê Thị Thắm Phượng – ấp Bình Khương, xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang

Đ/c: ấp Thứ Nhất, xã Tây Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang

2/ Chương trình “Thắp sáng niềm tin”Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

– Số tài khoản: 102010000638667 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long

Minh Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *