Bên bờ hạnh phúc

Mẹ bỏ ra đi khi em còn quá nhỏ và chẳng bao lâu sau thì cha em kết duyên cùng người vợ mới. Thiếu vắng tình thương của 2 đấng sinh thành, Thanh Đức lớn lên trong vòng tay bảo bọc của ông nội và những đồng lời ít ỏi từ công việc bán đồ rẫy của ông. Cuộc sống là vậy nhưng nhiều năm liền, Thanh Đức vẫn đạt được nhiều thành tích học tập sáng chói, là gương điển hình vượt khó của lớp 12T1 trường THPT Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.

Nhỏ nhắn, mảnh khảnh, nhưng nhanh nhẩu và nhạy bén. Đó là những ấn tượng đặc biệt mà chúng tôi ghi nhận được ngay trong lần đầu tiên gặp gỡ em Đào Thanh Đức – học sinh lớp 12T1 trường THPT Tân Long, huyện Phụng Hiệp, Tỉnh Hậu Giang. Thanh Đức được sinh ra đời trong tình trạng còn non ngày tháng, rất yếu ớt. Đã vậy mà khi mới lọt lòng mẹ được 4 tháng thì Thanh Đức đã bắt đầu trở thành nạn nhân của bi kịch gia đình, mà hậu quả của nó vẫn còn âm ỉ kéo dài cho đến tận hôm nay. Đó chính là lúc mẹ em quyết định một mình ra đi tìm hạnh phúc mới, mặc cho con mình hãy còn là một đứa trẻ sơ sinh. Điều bất hạnh nữa là dù lúc đầu em vẫn còn có cha bên cạnh, nhưng mối quan hệ ấy cũng không mấy gắn bó, mặn mà. Vậy nên, những người thường xuyên kề cận, chăm sóc em chỉ còn có các cô và ông nội.

Ông Đào Văn Ba – ông nội của Thanh Đức

Sau đó, cha em cũng đã quyết định đi thêm bước nữa, hố sâu ngăn cách giữa Đào Thanh Đức và cha mình càng trở nên rộng lớn. Nhất là khi các cô lần lượt theo chồng, điểm tựa quan trọng nhất của em trong gia đình cũng không còn nữa, Thanh Đức như lạc lõng ngay trong cái nhà của mình, khiến em luôn đắm chìm trong cảm giác hụt hẫng và buồn tủi triền miên.

Thấu hiểu tâm trạng ấy của cháu, năm Thanh Đức 13 tuổi, ông nội đã dựng cho em một căn chòi tạm ngoài vườn để ra ở riêng, bắt đầu một đoạn đời mới đầy sóng gió, nổi trôi. Bởi trong vòng đôi ba năm sau đó em đã phải thay đổi chỗ ở nhiều lần, hết nương nhờ nhà cô, đến ở nhà trọ, và cuối cùng là trở về ở với ông nội trong một căn nhà nhỏ bé, trơ trọi ven sông.

Từ đó, Đào Thanh Đức chỉ sống bằng tình yêu thương và sự cưu mang của ông nội – ông Đào Văn Ba, người đàn ông mà cuộc đời cũng bạc bẽo chẳng khác gì đứa cháu bất hạnh của mình. Trải qua một đời làm lụng và lo cho con cái, nay gia tài của ông chỉ còn lại một mảnh vườn nhỏ. Dù tuổi cao sức yếu, nhưng bao năm qua ông vẫn phải thường xuyên thức khuya dậy sớm, lặn lội lên tận chợ Cái Răng (Cần Thơ) để lấy đồ rẫy về bán kiếm chút tiền lời mà nuôi sống bản thân và phụ lo cho Thanh Đức ăn học.

Chính cuộc sống đơn côi, nghèo khó, thiếu vắng tình yêu thương, sự nâng đỡ, chỉ bảo của cha mẹ đã trui rèn cho Đào Thanh Đức sớm có được một ý chí sắc đá và một nghị lực dồi dào để có thể vượt qua những thách thức khắc nghiệt của cuộc sống.

Thật vậy, ngay khi mới 13 tuổi – lứa tuổi mà bao bạn bè trang lứa của em vẫn còn vô tư, hồn nhiên sống trong vòng tay chăm lo, bảo bọc của các đấng sinh thành, thì Thanh Đức đã phải gian nan đi tìm sinh kế để tự lo cái ăn, cái mặc và việc học hành của bản thân mình. Đầu tiên, em xin vào phục vụ cho một quán cà phê, sau đó lại chuyển sang làm công việc rửa chén bát cho quán cơm, quán cháo, rồi giúp việc ở một lò bánh mì… Song, sau một thời gian trải nghiệm cùng những công việc ấy, Thanh Đức đã tự nhận thấy rằng, công việc thích hợp nhất đối với mình lúc này chính là đi dạy kèm. Thế là, từ mùa Hè năm học lớp 10, em đã bỏ hẳn công việc làm ở các quán xá để chuyển sang dạy kèm cho hàng chục học trò.

Một ngày của Đào Thanh Đức rất bận rộn. Sáng đạp xe gần mười cây số để đến trường. Tan học rồi thì tất tả đi dạy thêm, thường khi về đến nhà lúc trời đã tối mịt. Thể trạng vốn dĩ đã gầy yếu, nên có lúc tưởng chừng sự vất vả đã làm em ngã gục, nhưng chưa bao giờ Thanh Đức có biểu hiện muốn đầu hàng số phận, ngược lại nó còn giúp em nhận rõ giá trị đích thực của việc học, xem đó là cứu cánh duy nhất của cuộc đời mình.

Để học tốt tất cả các môn, ngoài sự cần cù, chịu khó Thanh Đức còn đặc biệt chú trọng đến phương pháp học tập. Em có thể học ở mọi nơi, luôn tìm hiểu vấn đề một cách thấu đáo, đặc biệt chú ý những vấn đề trọng tâm. Riêng những môn học tự nhiên khô khan, Thanh Đức thường cố gắng tìm tòi từ ngữ để “xã hội hóa” chúng bằng cách đặt thành những bài thơ dể nhớ, dễ thuộc.

Nhờ có ý thức học tập tốt, và phương pháp học tập khoa học, hiệu quả, mà trong suốt 12 năm qua Đào Thanh Đức luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi. Đặc biệt, không chỉ là học sinh giỏi của trường, em còn từng đạt hạng Nhì và hạng Ba học sinh giỏi cấp tỉnh môn Văn, giải Nhì cuộc thi giải toán trên máy tính cầm tay và thực hành Hóa toàn tỉnh Hậu Giang. Với những thành tích học tập sáng chói ấy, Thanh Đức còn được đưa vào danh sách đội tuyển dự thi học sinh giỏi cấp quốc gia của trường.

Điều đáng trân trọng nữa đối với Đào Thanh Đức là dù cuộc sống hết sức bận rộn với việc học hành và làm thêm, nhưng hàng tuần, em vẫn dành thời gian từ 1 đến 2 buổi để đến Nhà trẻ Hoa Mai – nơi nuôi dưỡng các trẻ mồ côi, không nơi nương tựa để được vui đùa và dạy kèm miễn phí cho các em nhỏ có cùng cảnh ngộ thiếu vắng tình yêu thương và bàn tay chăm sóc của cha mẹ, xem đó như là một cách để em tự sưởi ấm tâm hồn, tự xoa dịu vết thương lòng bao năm qua luôn nhức nhối của mình.

Trong lớp, với vai trò là Ủy viên BCH Chi đoàn, Lớp phó học tập lớp 12T1, Đào Thanh Đức luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức và phương pháp học tập của mình với tất cả các bạn, nhất là các bạn kém hơn, để cùng tiến bộ. Ngoài ra, em còn tích cực tham gia các phong trào do Đoàn tổ chức. Tất cả những điều đó đã giúp em nhận được thật nhiều tình yêu thương, mến mộ của thầy cô và bè bạn, để bù đắp lại những mất mát lớn lao mà em đã phải gánh chịu. Và thế là, Thanh Đức vẫn luôn cảm thấy rất hạnh phúc.

Nhờ vậy, Thanh Đức luôn có niềm tin và có quyết tâm cao trong học tập với những mục tiêu được xác định rất rõ ràng. Như em đã tâm sự, không biết những ngày tháng tới sẽ như thế nào, nhưng với những gì mà em đã trải qua, nhất định em sẽ theo đuổi con đường học vấn tới cùng, để có thể xây dựng cuộc sống riêng cho bản thân, để chăm sóc ông nội, để trả nghĩa cho những tấm lòng rộng mở, để trả ơn cuộc đời này.

Vẫn còn một kỳ thi hết sức quan trọng ở phía trước, kỳ thi quyết định phần lớn những ước mơ cao đẹp của em – kỳ thi Đại học. Chúc em sẽ dễ dàng vượt qua nó, như đã từng vượt qua những tháng ngày đau buồn và cơ cực nhất trước đây.

Ngọc Mến – Kim Phụng 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *