Bên bờ hạnh phúc

Ai cũng có một thời tuổi trẻ không ngại khó khăn, cố gắng vươn tới những ước mơ của mình. Và câu chuyện về người thợ khuyết tật tên Nguyễn Thanh Mộng, đến từ vùng đất đỏ miền Đông Nam bộ thuộc thôn Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước còn là cả nghị lực vượt qua gánh nặng cơm áo hằng ngày để được sống trọn với niềm đam mê tạo hình tranh đá quý.

Sinh ra với đôi chân khiếm khuyết bẩm sinh, anh Mộng sớm phải đối mặt với muôn vàn trắc trở vì vùng quê sông nước Sóc Trăng đi lại khó khăn, thêm gia đình nghèo không tạo được điều kiện cho con nên con đường học tập của anh cũng sớm dang dở. Quyết chí tự lập vào năm 20 tuổi, anh Mộng tự tìm hiểu rồi một mình khăn gói lên Sài Gòn xin vào mái ấm dành cho người khuyết tật. Dù tại đây anh học được nghề sửa điện thoại di động và đã có thể ra nghề kiếm sống, nhưng khi nhận ra mình có niềm say mê đặc biệt với tranh đá quý, anh đã không ngần ngại chuyển sang học làm tranh.

Trong khoảng thời gian học lại nghề mới, anh Mộng đã không quản nhọc nhằn vừa học vừa gia công cho mái ấm để kiếm thêm tiền trang trải. Bắt đầu từ việc nhận dạng đá quý phù hợp với từng loại tranh, giã đá đều tay để được kích thước như mong muốn, đến nay, nhờ đôi tay khéo léo và sự tỉ mỉ, anh Mộng đã nhuần nhuyễn các thao tác sàng đá rồi trải đá lên tranh sao cho đều, đẹp. Tất cả các loại tranh từ phong cảnh thiên nhiên đơn giản đến tranh chân dung với chi tiết sắc nét hơn đều được người thợ này tạo hình thành những đường nét sống động. Mỗi bức tranh được hoàn thành, với anh Mộng, đó không chỉ là công việc mưu sinh hằng ngày mà còn là niềm hạnh phúc khi được đeo đuổi công việc mình yêu thích.

Cũng vì thương người thợ nghèo nhưng siêng năng, chịu khó nên chị Võ Thị Thùy Linh – người phụ nữ cùng nương nhờ mái ấm vì cảnh ngộ khuyết tật do di chứng chất độc da cam bẩm sinh, 2 tay yếu sức, không làm được việc nặng – đã nên duyên vợ chồng với anh Mộng, cùng nhau rời mái ấm ra thuê nhà trọ ở và dựng xây tổ ấm của riêng mình. Tin rằng có vợ là đôi chân, chồng là đôi tay, 2 mảnh đời khiếm khuyết sẽ nương tựa vào nhau đứng vững trước những giông bão của cuộc đời. Thế nhưng công việc làm tranh và bán tranh từ sau khi rời mái ấm trở nên khó khăn hơn vì ít người biết đến, đôi vợ chồng nghèo không tài nào xoay sở nổi cuộc sống đắt đỏ nơi Sài thành thị, đành trở về quê vợ ở Bình Phước sinh sống. Và khi con trai đầu lòng chào đời, sức khỏe của vợ trước đây vốn đã không đủ sức, nay lại yếu hơn sau lần sanh nở, gia đình chỉ còn một mình anh Mộng là trụ cột với nghề làm tranh đá quý, từng ngày chèo chống gia đình qua cơn khốn khó…

Hiểu rằng mình là chỗ dựa duy nhất của vợ con nên người đàn ông này chưa ngày nào cho phép mình thôi cố gắng. Tìm tòi nhiều mẫu mới, cố gắng tự mài mò học hỏi thêm kỹ thuật làm tranh, nhưng với công việc nặng về nguồn vốn ban đầu như làm tranh đá quý thì thiếu vốn mua nguyên liệu là lí do lớn nhất khiến anh Mộng chưa thể ổn định công việc hằng ngày.

Vì không có vốn nên việc làm tranh phải phụ thuộc vào nguồn khách đặt hàng, không thể cùng lúc cho ra nhiều sản phẩm đa dạng để khách chọn lựa, nên số lượng tranh bán ra cứ ngày một thưa thớt. Đồng lời ít ỏi làm sao đủ lo tã sữa cho con cùng với bao nhiêu khoản lo cơm áo trong nhà, nên đôi vợ chồng khiếm khuyết này lại tất bật đi làm thuê, cố gắng gấp đôi gấp ba lần người khác, chỉ mong sao lo cho con được no đủ hơn.

Giữa trăm bề thiếu thốn, thương vợ yếu ớt vẫn muốn san sẻ bớt gánh nặng trên vai mình, anh Mộng lại càng trăn trở nhiều hơn khi bệnh tình của vợ ngày càng trở nặng mà vẫn chưa có tiền thăm khám tới nơi tới chốn. Để rồi, đối mặt với bao nhiêu bài toán khó, làm sao người chồng người cha này dám mong ước sớm thuê mặt bằng mở tiệm tranh, giới thiệu sản phẩm từ chính tay mình làm ra đến với khách hàng gần xa.

Dẫu còn đó quá nhiều điều cần phải đắn đo suy tính, nhưng tình vợ chồng vẫn bền chặt như những ngày đầu về với nhau là niềm tin duy nhất để anh chị tin rằng chỉ cần vợ chồng đồng lòng cố gắng thì cơ hội thay đổi cuộc đời rồi sẽ đến vào một ngày không xa.

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Nguyễn Thanh Mộng, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước

2/ Chương trình “Thần tài gõ cửa", Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. ĐT: 02706.250.555

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

– Số tài khoản: 111000034669 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long.

Hồng Ngân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *