Bên bờ hạnh phúc

Rời quê Bình Định vào Sài Gòn bôn ba kiếm sống khi hành trang trong tay chỉ có vỏn vẹn sự kiên cường của người phụ nữ miền đất võ Tây Sơn cùng với tay nghề may vá khéo léo, cố vượt qua từng chông gai thử thách ngót 10 năm trời, chị Nguyễn Thị Mười chỉ mong sao sớm thực hiện được ước mơ mở tổ hợp may gia công thú nhồi bông để lo lắng cho mẹ già, con nhỏ thơ dại.

Sinh ra trong gia đình đông anh em tại vùng quê nghèo, lại mang đôi chân khiếm khuyết vì sốt bại liệt, đời chị Mười như đối mặt với muôn vàn khó khăn thử thách khi điều kiện học chữ thiếu thốn, rồi mãi đến năm 25 tuổi mới được học nghề may. Chọn gắn bó với kim chỉ, vải vóc, phải vất vả lắm chị mới tập luyện được cách đạp máy trên đôi chân yếu sức để hoàn thành những bộ quần áo như ý.

Không dừng lại ở việc trang bị cho mình 1 nghề nghiệp nuôi thân, 2 năm sau chị quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp những mong đỡ đần gia đình. Trầy rật đổi dời chỗ làm hết lần này sang lần khác, chị Mười mạnh dạn rẽ hướng sang may mặt hàng gia công thú bông cần tới kỹ thuật cắt may hoàn toàn khác với nghề may quần áo đã học. Gắng làm quen từ việc nhận dạng hình dáng khuôn rập, ráp gia công những công đoạn dễ, đến nay, nhờ đôi tay khéo léo và sự tỉ mẫn, chị Mười đã làm chủ được hết tất cả quy trình cắt may và tạo hình hơn trăm mẫu thú nhồi bông khác nhau.

Trở thành thợ chính tại cơ sở may, chị Mười không những tự vẽ khuôn, cắt mẫu theo yêu cầu cao của khách hàng mà còn trở thành người thầy, chỉ dạy tận tình cho các thành viên còn lại trong cơ sở ở từng khâu như vẽ, cắt khuôn đến nhồi bông sao cho vừa đủ. 

Giữa mội trường làm việc liên tục tại cơ sở cùng với những người có đôi chân khoẻ mạnh, bình thường, chị Mười luôn nhủ lòng phải thật mạnh mẽ, gắng sức nhiều hơn mới có thể duy trì công việc hiện tại. Bởi giờ đây, tổ ấm nhỏ chỉ còn một mình chị gánh vác kể từ ngày chồng bỏ đi khi vừa mang thai con gái Bảo Ngọc.

Thương phận con đơn chiếc, bà Hai – mẹ chị Mười khăn gói rời quê vào Sài Gòn chăm sóc cháu ngoại. Căn phòng nhỏ nằm cuối dãy trọ chỉ vỏn vẹn 3 người, thiếu bóng người đàn ông trụ cột  cứ thế nương tựa nhau vượt qua bão tố, chông gai…

Dẫu mang phận khiếm khuyết nhưng chưa lúc nào người phụ nữ này cho phép mình ngưng cố gắng. Thiếu phương tiện đi lại, thêm phần đôi chân yếu ớt khó đi xa, chị Mười nhận ra chọn cách may vá tại nhà là vừa sức nhất.

Tận dụng được máy may và máy vắt sổ công nghiệp mượn từ người quen, chị Mười mướn thêm 1 nhà kho nhỏ gần phòng trọ, tranh thủ nhận thêm hàng về gia công. Thế nhưng số đồng lời ít ỏi làm sao đủ giúp chị lo tả sữa cho con và thuốc men cho mẹ già thường xuyên đau ốm. Đối mặt với bao nhiêu bài toán khó, làm sao chị Mười dám mong ước sớm thuê mặt bằng rộng rãi hơn mở tổ hợp gia công rồi nhận đào tạo học viên may thú nhồi bông như dự định ấp ủ từ lâu. Chưa kể việc đầu tư máy móc chuyên dụng như máy may tự cắt chỉ, máy vắt sổ… cần đến chi phí không nhỏ.

Niềm an ủi duy nhất giữa những ngày tháng chông chênh của cuộc đời chị chỉ còn là phút giây được ở bên tổ ấm khuyết đi bóng dáng người đàn ông này. Chị hiểu rằng con gái mình khi lớn lên cần được học hành, được đến trường như bạn bè đồng trang lứa, mẹ già cần ăn uống no đủ hơn… và người chắp cánh cho những ước mơ bình dị ấy thành hiện thực không ai khác chính là chị – người phụ nữ dẫu tàn mà không phế.

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Nguyễn Thị Mười, phường Tân Phú, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh

2/ Chương trình “Thần tài gõ cửa", Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. ĐT: 02706.250.555

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

– Số tài khoản: 111000034669 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long.

Thùy Dương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *