Bên bờ hạnh phúc

Ngôi nhà nằm gọn trên con đường làng thuộc xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh là nơi nương náu của người đàn ông khiếm khuyết tên Diệp Thanh Nam. Hơn nửa đời một mình chống chọi với biết bao sóng gió trên bước đường tìm kế sinh nhai, đến nay dù có trải qua bao nhiều nghề, ông vẫn dặn lòng bền tâm vững chí gắn bó với việc đan rổ tre mà người cha quá cố đã tận tâm chỉ dạy.

Sinh ra trong cơ thể vẹn nguyên nhưng chẳng may cơn sốt bại liệt  bất ngờ ấp đến năm 3 tuổi khiến hai chân của ông Nam dần teo tóp. Từ ngày đôi chân không thể trụ vững, cuộc sống của ông bắt đầu chênh vênh, vì không thể đến trường như các bạn đồng trang lứa và… vì tìm nghề nghiệp nào để học cũng quá vất vả. Đến năm 15 tuổi, hết học bơi học lặn để giăng lưới bắt cá, bắt ốc, ông chuyển sang học nghề đan rổ từ chính cha ruột của mình.

Nhờ sáng dạ mà không bao lâu ông Nam đã có thể mang sản phẩm  chính tay mình làm ra bán cho bà con hàng xóm. Từng cái rổ, cái rế làm bằng tre trúc đều được ông chăm chút tỉ mẩn từ những công đoạn đầu đến khi hoàn chỉnh. Tre hay trúc phải lựa kỹ càng từng cây một, chẻ rồi vót nan sao cho mỏng lại đủ độ đàn hồi, ghép vành, tra nan thế nào để đều đẹp… mọi thao tác đều chất chứa tấm lòng và sự say mê của người thợ đã gắn bó suốt mấy mươi năm với nghề. Việc đan rổ mới nhìn tưởng chừng rất đơn giản nhưng có chứng kiến những lúc ông Nam mượn bậc thềm làm thế giữ tre để chẻ, hay gắng sức dùng bàn chân teo tóp chằng giữ, định hình khung rổ mới hiểu hết bao khó khăn mà người thợ khiếm khuyết phải vượt qua mỗi ngày.

Ấy vậy mà cái nghề này có trụ được lâu…. Ngày rổ nhựa, rổ inox ra đời, chiếc rổ tre mộc mạc của ông cũng dần hiếm khách chuộng. Gắng tìm thêm công việc khác nuôi thân, ông quay về cậy nhờ con sông quê để giăng lưới bắt ít cá tép kiếm cái ăn qua ngày. Cũng nhờ vậy mà ông tự học thêm cách sửa lưới, sửa đăng, đan lợp bắt cá. Dẫu thu nhập không có là bao nhưng đối với người đàn ông lam lũ này, đó là một sự nổ lực không ngừng để giữ vững niềm tin dẫu tàn mà không phế.

Loại bếp lò bằng đất sét của ông Nam cần phải có thời gian khô lâu hơn mới sử dụng được nhưng bù lại lò đất giữ được lửa tốt hơn, bánh tét hay cơm gạo qua nồi đất của ông đều chín đều và thơm dẻo. Tốn công sức đập, giã là vậy nhưng đồng lời thu lại từ việc đúc bếp lò chỉ vỏn vẹn mấy chục ngàn, mùa tết mới buôn bán khắm khá còn ngày thường lại kén người mua. Dẫu vậy ông Nam vẫn không nề hà bởi với ông, chắt chiu được đồng nào là quý giá thêm đồng nấy.

Tính toán vay mượn tiền để chăn nuôi thêm gà vịt kiếm vốn thu mua tre trúc làm vựa để sẵn tại nhà nhưng chẳng may thua lỗ, đôi vai ông Nam lại oằn nặng vì gánh nợ gần 20 triệu đồng.

Bao nhiêu khó khăn lần lượt bủa vây thế nhưng người đàn ông khiếm khuyết vẫn không chùn lòng nản chí. Mỗi giây phút hăng say lao động không chỉ để nuôi sống bản thân mà còn giúp ông phần nào khoả lấp cảm giác thiếu thốn hơi ấm gia đình từ ngày cha mẹ qua đời hay nỗi buồn chưa thể tạo dựng một tổ ấm đầy đủ vợ con như bao người. Ông vẫn luôn tin rằng chỉ cần có ý chí và nghị lực vượt qua nghịch cảnh thì cuộc đời vẫn sẽ ngập tràn niềm vui sống.

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Diệp Thanh Nam, ấp An Hòa, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.

2/ Chương trình “Thần tài gõ cửa", Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. ĐT: 02706.250.555

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

– Số tài khoản: 111000034669 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long

Thùy Dương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *