Bên bờ hạnh phúc

Nếu cuộc sống mỗi người được khắc họa bởi nhiều mảng màu riêng biệt thì bức tranh kể về gia đình chị Mai Đào Uyên Phương chỉ chấp vá bằng mấy gam u tối, trầm buồn. Bởi, cho dù cố gắng làm lụng không ngơi nghỉ thì thu nhập từ nghề xoa bóp, ấn huyệt Đông y của chị và việc đàn hát của anh Tăng Văn Sơn – chồng chị cũng chẳng đủ trang trải chi phí hằng ngày tại nơi đắt đỏ như TP HCM.

Mấy chục năm sống trong cảnh thuê trọ vì không có tiền xây cất 1 mái nhà ổn định, vợ chồng anh Sơn- chị Phương chỉ mong sao có được nơi che nắng che mưa cho các con yên tâm học hành. Căn trọ thứ 5 thuộc quận Gò Vấp này là nơi ở tạm thời màanh chị vừa tìm được sau thời gian dài sống trong cảnh mưa dột đầu nằm, nước ngập đến chân tạikhu nhàtrọ cũ. Điều kiện sống khó khăn là vậy, nhưng điều đó chưa bao giờ làm vơi đi niềm đam mê âm nhạc của anh Sơn- người đàn ông mất đi ánh sáng khi vừa lọt lòng. 

Sớm thành thạo đàn ghita và cả organ từ thời trai trẻ, cộng thêm chất giọng trời phú, anh Sơn dễ dàng có được thiện cảm của bà con khán giả khi thể hiện những bài tân nhạc gẫn gũi, hợp tai.  Càng gắn bó với giai điệu, càng nghe mùi gỗ  thânquen nơi cần  đàn và phím đàn,thì anh Sơn càng trân quý thứ âm thanh mộc mạc, giản dị. Nhìn anh tỉ mẫn giữ gìn cho cây đàn luôn sáng bóng cũng đủ hiểu rằng đây không chỉ là  cách anh nâng niungười bạn tâm tình giúp anh vượt qua những lúc chùn chân, mà còn là sự trân trọng phương kế mưu sinh để anh chu toàn lo lắng cho gia đình.

Thương người chồng hiền lành, cần cù,  chị Phương tận dụng chút ánh sáng le lói còn sót lại từ đôi mắt mờ đục bẩm sinh để ra sức vun vén gia đình, chăm lo cho con cái. Niềm hạnh phúc lớn nhất của đôi vợ chồng nghèo là sinh được 3 đứa trẻ lành lặn, ngoan ngoãn. Thế nhưng các con càng lớn thì gánh mưu sinh càng oằn nặng, biết đôi vợ chồng khiếm khuyến gắng gượng được đến bao giờ….

Ước mơ có đôi mắt sáng – nghe sao mà giản đơn, nhưng điều đó lại khó có thể trở thành hiện thực bởi chị Phương cần chi phí không nhỏ để chữa trị mà nguồn thu nhập của gia đình chỉ đủ chạy ăn từng bữa…

Càng sống trong khốn khó, chị Phương càng dặn mình chắt chiu từng đường đi tay, ấn huyệt; cần cù, chăm chỉ hơn để khách hàng thêm phần hài lòng mà gắn bó lâu dài với người thợ chuyên mat-xa giúp bệnh nhân tai biến. Tuy vậy, chỉ dựa vào đôi tay lành nghề thì khó lòng đủ sức cạnh tranh với những cơ sở khác đầy đủ đồ nghề, giường gối, phòng ốc hiện đại ở lân cận.

Muốn giúp vợ sớm có được một cửa tiệm mat-xa tại nhà, anh Sơn ra sức đàn hát trong lúc bán vé số những mong tích góp thêm ít đồng lẻ. Thế nhưng gánh âu lo đâu chỉ dừng ở đó! Bước qua tuổi 50, sức khỏe đã ở bên kia triền dốc, biết anh chị còn bao nhiêu thời gian để bảo bọc, chăm lo các con học hành đến nơi đến chốn,nhất là giúp con gái lớn Mỹ Nhàn đang đi làm xa có điều kiện quay trở lại giảng đường đại học.

Thương con phải dở dang chuyện học hành để nhường lại cho các em có điều kiện đến lớp nhưng người làm cha mẹ như anh chị nào có thể làm gì khác hơn khi nợ nần vay mượn từ những lần đau ốm hay tiền học phí cho các conmỗi mùa nhập học ngày một chồng chất. Tương lai phía trước đối với gia đình của đôi vợ chồng khiếm thị còn quá chông gai….

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Mai Đào Uyên Phương, 107/10, đường số 7, phường 3, Gò Vấp, Tp HCM

2/ Chương trình “Thần tài gõ cửa”Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. ĐT: 02706.250.555

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

– Số tài khoản: 111000034669 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long.

Thùy Dương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *