Bên bờ hạnh phúc

"Tôi cũng không bi quan, mà tôi lo lắng. Là công dân, tôi tự thấy có quyền lo lắng và đòi hỏi. Là người ông có cháu đang cắp sách đến trường, tôi thấy mình có quyền lo lắng và đòi hỏi gấp đôi".

Sau bao nhiêu năm, vẫn thế!

Gần đây, tôi được đọc trên báo chí và trên mạng nhiều ý kiến của các bậc trí thức hàng đầu làm công tác giáo dục trong nước và hải ngoại cùng các nhà lãnh đạo có tên tuổi nói về thực trạng giáo dục của ta và tìm hướng thoát ra cho nó.

Phải nói thật, quả là đáng buồn, kể từ cuối năm 1987, khi tôi được dự một cuộc họp để các đồng chí trong Bộ Chính trị nghe các nhà giáo dục phát biểu về đề cương cải cách giáo dục cho đến nay đã hơn 20 năm trôi qua mà tình hình không có gì khác, nếu không nói là ngày càng xấu hơn.

Phát biểu tại cuộc họp hôm đó có nhiều nhà trí thức đầu ngành về giáo dục, nhưng tôi đặc biệt thích thú bài phát biểu của GS-TS Hồ Ngọc Đại và GS Hoàng Xuân Sính. Với kiến thức uyên bác của mình, GS Sính giới thiệu nhiều kinh nghiệm làm giáo dục của nước ngoài, và giáo sư Đại nhận xét rất “bạo gan” về cái chương trình cải cách giáo dục đưa ra trình bày tại hội nghị.

Với hiểu biết uyên thâm về công việc, ông Đại đã tiên đoán và cảnh báo được những vấn đề mà đến hôm nay vẫn còn đúng như mới hôm qua.

GS-TS Hồ Ngọc Đại

Đáng tiếc, có lẽ vì thái độ “nói quá thẳng” mà ý kiến của ông ít được tiếp thu chăng. Nhưng theo tôi, đằng sau cách diễn đạt hơi khác người là một hiểu biết tinh tế và tình cảm ông dành cho học sinh của mình, hình như là một năng khiếu làm giáo dục bẩm sinh với một phong cách riêng rất Hồ Ngọc Đại.

Một số ý kiến tại cuộc họp cho rằng chương trình này sẽ không thành công. Lý do? Nó quá cũ kỹ và những người soạn ra nó không hiểu biết gì về tình hình các nền giáo dục bên ngoài nước ta hồi đó.

Tôi không làm giáo dục, nhưng vì đang phụ trách Vụ Tổ chức, Lao động và Đào tạo của Bộ Cơ khí & Luyện kim, có dính dáng đến đào tạo nên được triệu tập đi họp để nghe và quán triệt chủ trương của Bộ Chính trị như những Vụ trưởng phụ trách công việc đào tạo ở các bộ làm quản lý kinh tế khác.

Điều kỳ lạ là hơn hai mươi năm qua, nói đi nói lại cũng vẫn những vấn đề đó : chất lượng học sinh, sinh viên thấp, đạo đức người thầy và học sinh xuống cấp, trường sở trang bị kém, lạc hậu, sách giáo khoa viết cẩu thả, nhiều sai sót, học sinh bị bắt buộc học thêm nhiều, bằng cấp giả v.v và v.v…

Thế thì nguyên nhân ở đâu ra? Phải có ít nhất một nguyên nhân của những nguyên nhân đó chứ? Chẳng lẽ những thứ ấy đều từ trên trời rơi xuống hay sao?

Tôi là một người ông có cháu nội đang học tiểu học, cái bậc học rất quan trọng như GS Đại đã nhiều lần nhấn mạnh là bậc học hình thành nhân cách và tiếp thu những kiến thức đầu tiên của đời người.

Và như bài tập đọc đầu đời ở bậc tiểu học được trích dẫn trong những bài viết của GS Cao Huy Thuần, mà tôi, một người tuổi đã vượt quá cái ngưỡng “cổ lai hy” cũng đã được học như ông và đến nay nhiều bài vẫn còn thuộc lòng.

Muộn lắm rồi…

Gần đây, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và nhiều tác giả đã đánh giá cao tâm huyết và năng lực của đa số giáo sư Việt Nam trong việc giảng dạy. Điều đó tôi không dám phủ nhận, nhưng xin phép đưa ra một vài nhận xét riêng.

Một là, nhiều triều đại phong kiến nước ta đều lấy việc thi cử, bằng cấp làm phương tiện gần như duy nhất để tuyển chọn nhân tài, mà chủ yếu là chọn hàng ngũ quan lại cao cấp cho bộ máy cai trị, chứ không vì mục đích tạo ra một đội ngũ làm khoa học, trong đó có khoa học giáo dục.

Do hoàn cảnh lịch sử nào mà nhà cầm quyền thời đó làm như vậy, người viết bài này không đủ trình độ phân tích, xin dành cho các nhà nghiên cứu.

Nhưng chắc chắn qua nhiều thế hệ, học hành và bằng cấp đã đồng nghĩa với thăng quan tiến chức, vinh thân phì gia, đã thấm vào máu thịt một bộ phận trí thức, thì những sản phẩm “cải cách giáo dục” của các “nhà” bằng cấp cao trong bộ máy quản lý giáo dục đưa ra bị phê phán là điều không đáng ngạc nhiên.

Lấy đâu ra sự công tâm, khách quan và tinh thần trách nhiệm để có những sản phẩm tốt? Nhiều bài báo đã nói đến độc quyền soạn thảo và phát hành sách giáo khoa, đây là một thí dụ.

Một thí dụ nữa về đạo đức của người làm giáo dục : Cách đây không lâu, một vị tiến sĩ nhiều năm là lãnh đạo cao nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi thôi chức, đã nhận học bổng từ đề án 322 để đi học mấy tháng bổ túc tiếng Anh ở Anh quốc – một kỳ bổ túc mà tôi tin rằng không hơn gì các khóa B, C mà con cháu chúng ta vẫn học ở các trung tâm Anh ngữ trong nước.

Việc làm này đã gây bức xúc, khiến Thủ tướng Chính phủ phải ra quyết định thu hồi số tiền không lấy gì làm lớn đó trả lại công quĩ. Chưa kể về trình độ chuyên môn, trong những ý kiến đóng góp cho cải cách giáo dục “không ít ý kiến trong số đó thiếu thực tế, chưa đủ các luận cứ khoa học, mang nhiều cảm tính cá nhân và nhất là chưa đưa ra được những giải pháp khả thi nên chất lượng và tác dụng hạn chế”.

Hai là, thực trạng nền giáo dục của ta “cứ thấy như một cuốn phim chiếu đi chiếu lại, luôn là vấn đề sách giáo khoa, học thêm, bằng giả mạo v.v… chuyện đi chuyện lại cũng vẫn vậy.” Tôi tự hỏi, tại sao những chuyện kinh niên như thế không được giải quyết triệt để và dứt khoát?

Phải chăng, những người có trách nhiệm của ngành giáo dục cũng không nhận thức được rằng đây là “yêu cầu bức xúc của công cuộc CNH-HĐH buộc chúng ta phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”, mà để mọi ý kiến phát biểu ra “như đấm vào bị bông” vậy? Như yêu cầu bức xúc của giáo sư Đại, không phải nói “không”, mà phải làm ra cái “có”.

Muộn lắm rồi, từ ngày có cuộc họp tôi kể trên đây, về mặt sinh học, một thế hệ đã trưởng thành. Muốn làm được như đòi hỏi chính đán
g của công luận, theo tôi, những người có trách nhiệm của ngành giáo dục trước tiên cần hiểu được những vấn đề tâm huyết mà các nhà giáo dục hàng đầu trong và ngoài nước phát biểu thì mới có được những quyết sách đúng đắn.

Những ý kiến nói chung rất uyên bác nhưng cũng rất thực tiễn đó cần phải nghiên cứu kỹ, được hiểu kỹ để sử dụng, không vì bất cứ lý do gì để chúng trôi đi. Và cũng không nên ngồi một chỗ để “nghĩ cách phát minh lại… cái bánh xe” (xe bò kéo, tôi thêm), hoặc coi như “người ta dốt hơn mình” để tiếp tục rơi vào tình trạng “tụt hậu nhanh nhất”.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại nói rằng ông không bi quan, chính là tình hình “hiện tại nó đang như thế”. Tôi cũng không bi quan, mà tôi lo lắng. Là công dân, tôi tự thấy có quyền lo lắng và đòi hỏi. Là người ông có cháu đang cắp sách đến trường, tôi thấy mình có quyền lo lắng và đòi hỏi gấp đôi.

Quang Huyên – Theo TVN

—————————————–
Chú thích :

Những câu chữ trong ngoặc kép được trích từ ý kiến phát biểu gần đây trên báo chí của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và các giáo sư Trần Hữu Dũng, Hồ Ngọc Đại, Chu Hảo, Cao Huy Thuần và Hoàng Tụy (theo thứ tự a, b, c).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *