Bên bờ hạnh phúc

Em Dương Văn Ngọc, 11 tuổi, ở xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An mở tiệm sửa đồ điện đã được gần 3 năm. Khả năng sửa chữa đồ điện gia dụng của em có thể khiến tất cả chúng ta ngạc nhiên. Nhưng khả năng ấy mới chỉ là "mầm non" cần vun xới…

Ngọc có một tiệm sửa đồ điện ở góc sân trước nhà, do bố em dựng cho cậu con trai. Em bắt đầu biết sửa đồ điện từ khi mới học lớp 3. Bây giờ, sáng học trên lớp, chiều về, em say mê mày mò và sửa chữa những thiết bị điện gia dụng. Em còn tranh thủ làm bài tập trong lúc ra chơi để về nhà được toàn tâm với các đồ điện.

Em Dương Văn Ngọc thao tác như một thợ lành nghề

Từ quạt bàn, máy bơm nước, nồi cơm điện, thậm chí cả đầu đĩa… những thiết bị hỏng đều được người dân quanh vùng mang đến nhờ em sửa giúp.

Em cũng bán sản phẩm quạt chạy bằng ắc-quy do mình tự chế tạo ra được hơn một năm nay. Người dân ở xã, người mua một chiếc, người mua hai, ba chiếc về cho gia đình sử dụng những lúc chập chờn, mất điện đột ngột.

Chiếc quạt được cải tiến với việc lấy mô-tơ quạt lò và bình ắc-quy xe máy làm nguồn điện. Trên thân quạt còn có gắn bóng đèn 2.5 V để chiếu sáng.

Tôi rất muốn phân biệt xem em có là một tài năng, hay chẳng qua chỉ "biết sớm" trước tuổi, giống như, thay vì 18 tuổi vào Đại học thì cũng có em bé 12 tuổi đã được ngồi trên giảng đường. Tôi cũng muốn xem gia đình và xã hội, thấy em có năng lực hơn người có gò ép, nhồi nhét cho em học quá nhiều, cố ý biến em thành một "thần đồng" nào đó… ?

Vì thực tế, qua nhiều tấm gương "thần đồng" đi trước đã chỉ ra, những việc làm kia sẽ giúp em phát triển sớm hơn những đứa trẻ khác, nhưng khi thái quá, sẽ có tác hại. Trước tiên là sự phát triển không đều những chức năng ở não, không cân bằng các trung khu, làm các bé em mệt mỏi khi học cao hơn.

Việc gò ép cũng khiến nhân cách các em phát triển không bình thường, vì những vinh quang hão huyền và ảo vọng thiên tài của người lớn.

"Cận ảnh" một "hiện tượng"

Em Ngọc không biết cách gọi tên một số thiết bị, linh kiện điện tử; nhưng có một điều chắc chắn, Ngọc là em bé thông minh hơn bình thường, và có một niềm say mê mãnh liệt với việc mày mò, sửa chữa các đồ điện.

Năm nay, bước vào lớp 6, Ngọc đã được học bài Vật lí đầu tiên. Việc em sửa chữa thành công những đồ điện bị hỏng, tôi không có cách lí giải nào khác, ngoài việc em sử dụng suy luận logic và có một chút may mắn nào đó (May mắn đến làm phần thưởng cho niềm say mê?)

***

Tôi nói chuyện với em để cố gắng lí giải thêm một chút nào đó về khả năng đặc biệt này.

– Em có đọc thêm sách không?

– Không ạ. Em chẳng biết mua ở đâu. Sách không viết về đồ dân dụng, mà chủ yếu là đồ điện tử. Đồ điện tử thì em ít sửa nên không đọc.

– Ví dụ có một cái mạch bất kì, làm sao em biết được nó hỏng cái gì?

– Em đoán là nó hỏng tụ, hoặc hỏng IC. Em đo ở đầu của nó, nếu lên thì là được.

– Em thử đo cho chị cái tụ này xem nhé.

– Chị xem này, nó vẫn sống.

– Có cái tụ nào hỏng mà đồng hồ vẫn lên không?

– Có cái vợt muỗi. Nhưng cái đó em không rõ lắm.

Tiệm sửa đồ điện của Ngọc

– Em sửa cái bóng đèn tuýp hỏng này như thế nào?

– Nó có hai cực, một cực đấu vô chấn lưu ạ. Em đo chấn lưu, mua tắc-te, hoặc thay dây đứt.

– Em có biết chấn lưu để làm gì không?

– Để chuyển điện cho nó yếu hơn. Nếu cả hai đầu đều 220V thì nó sẽ cháy.

– Theo em thì hai đầu của bóng đèn không phải 220V à?

– Nó là hai cực đồng. Theo em thì nó khoảng 110V.

– Em tính như thế nào?

– Em ước lượng.

– Khi nào em thử đo nhé. Nó là 220V đấy. Chị thấy cái mô-tơ này không đề số V. Em làm thế nào để biết?

– Em sẽ thử. Ví dụ như em thử ô-tô điều khiển, mô-tơ là 6V. Với mô-tơ 9V nó vẫn chạy, nhưng sẽ bị nóng lên.

– Em đã bị giật bao giờ chưa?

– Trước khi sửa điện, em bị giật nặng nhất. Nồi cơm bị hở điện, em bị giật rung cả người. Sau này, em sửa vợt muỗi. Lúc đấy, em không biết là vợt muỗi vẫn tích điện, em đưa tay vô là nó giật.

– Theo em thì bao nhiêu V là sẽ bị giật nguy hiểm?

– Dạ 50V.

Chị muốn nghe em nói về sáng chế đầu tiên của em – chiếc thuyền chạy dưới nước – có được không?

– Dạ, hồi lớp 3, trong lớp em có bạn có mấy cái mô-tơ nhỏ, em lấy cánh quạt và lấy điện từ ắc-quy hỏng ở xe máy lắp vào.

– Em có biết điều chỉnh tốc độ không?

– Xuống nước sẽ có lực cản nên thuyền chạy chậm hơn. Em sẽ cho một số IC vào để giảm lượng điện.

– Em thích mày mò những đồ mới hơn, hay là sửa những thứ quen thuộc hơn?

– Em thích sửa những thứ khó hơn. Bây giờ không có thời gian nên em chưa có điều kiện học. Nhiều lúc họ đưa đồ sửa phức tạp, em chưa sửa lần nào nên không sửa được.

Em cũng mày mò, nhưng mạch điện nhiều quá trời! Nhiều lúc em sửa được nhưng tiền phụ tùng đắt quá nên em không thay. Em mua lại của họ, rồi tháo ra, thấy cái nào còn sống thì em dùng.

***
Một ngày bình thường như hôm nay, em Ngọc có thể sửa đến 10 cái quạt. Những đồ điện gia dụng thường hỏng theo mùa. Mùa hè hay hỏng quạt. Mùa đông hay hỏng nồi cơm điện.

Quạt không quay nữa, Ngọc đoán, có cái bị cháy cuộn điện, có cái hư hộp số, có cái đứt dây. Nồi cơm điện thường là hỏng rơ-le. Rơ-le nóng thì nhảy, ngắt điện. Có cái máy xay sinh tố hỏng răng cưa, thợ không có đồ thay, em tự mài một cái. Đồ mọi người mang đến, em sửa không kịp. Đồ điện sửa ở tiệm của em, người dân mang về còn được bảo hành 3 tháng.

Bố mẹ em rất tự hào về em, vì em ngoan, học giỏi, thông minh. Em luôn được điểm 10 Toán. Gia đình rất muốn mua cho em một chiếc máy vi tính, nhưng chưa có điều kiện.

Mẹ của Ngọc : "Họ nói nếu có điều kiện thì cháu sẽ giỏi lắm. Nhưng tài gì thì cũng phải học hết văn hóa đã. Nếu Nhà nước đưa đi và quản lý chặt thì tôi mới yên tâm"

 
Khi tôi hỏi về các biện pháp của gia đình để phát triển khả năng của em, mẹ em nói với tôi rằng : “Cháu nó thông minh lắm, nhưng đầu óc còn đang phát triển. Họ nói là nước ngoài hay bắt người tài. Tôi sợ mất con lắm. Có người hứa là học hết lớp 9 sẽ đưa cháu đi học ở trường đặc biệt. Họ nói nếu có điều kiện thì cháu sẽ giỏi lắm. Nhưng tài gì thì cũng phải học hết văn hóa đã. Nếu nhà nước đưa đi và quản lí chặt thì tôi mới yên tâm”.

Tôi cũng chẳng biết phải nói gì với mẹ của em. Ở Việt Nam, có luật quy định các trường hợp được học trước tuổi với học sinh sớm phát triển trí tuệ, nhưng không có quy định cho các học sinh có năng khiếu đặc biệt.

Giáo dục năng khiếu, tuy đã có một số thành tựu cho một số năng khiếu cụ thể, nhưng nhìn chung chưa đúc kết được một hệ thống lý luận cho việc đào tạo người tài. Chưa có một nghiên cứu bài bản để có cơ sở lý luận vững chắc cho việc quy trình hóa quá trình sáng tạo ra con người sáng tạo.

Nói cách khác, vấn đề phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng tài năng chưa được quan tâm đúng mức. Những gì đạt được cũng chỉ mang tính kinh nghiệm mà thôi.

Ước mơ của Ngọc

Em Ngọc nói với tôi rằng, ước mơ của em là lớn lên được nghiên cứu sản xuất, chế tạo máy bay. Nhưng cả em và tôi đều không biết cần phải chuẩn bị những gì.

Em Ngọc nói rằng, ước mơ của em là lớn lên được nghiên cứu sản xuất, chế tạo máy bay

Tôi rất lo lắng cho em. Tôi tập trung vào tìm giải pháp. Tôi tìm xem các nước khác đã đối xử với các tài năng như thế nào? Mình có thể học tập được gì? Thế giới đã để lại nhiều bài học về vấn đề này, như bài học của tập đoàn Samsung, của Công ty thiết bị điện tử Mỹ – Nhật…

Các tập đoàn đầu tư vốn cực lớn để xây dựng hệ thống tái hoàn thiện, gần như mỗi con người đều được bồi dưỡng thành người tuân thủ quy phạm đạo đức, dũng cảm sáng tạo, tài nghệ tuyệt vời. Họ không chỉ có trung tâm giáo dục, bồi dưỡng nhân viên, mà còn có cả Đại học và Viện nghiên cứu bồi dưỡng người tài cao cấp.

Tôi không muốn em cứ tiếp tục phát triển theo hướng này, để lớn lên chỉ là một thợ sửa điện dân dụng bình thường. Giải phóng tài năng là mệnh lệnh của thời đại, nếu quay lưng lại thì sẽ là có tội với lịch sử. Nhưng tôi không biết, ở Việt Nam, như em Ngọc thì phải làm từ đâu và bắt đầu như thế nào?

Bài và ảnh : Đinh Phương Linh – Theo TVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *